Hoàn thiện hệ thống pháp luật về dịch vụ môi trường rừng

ThienNhien.Net – Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Vậy trong thời gian tới, chính sách về DVMTR có điểm gì mới? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn để tìm hiểu vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, DVMTR có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Trước tình hình biến đổi khí hậu, chúng ta đã thực hiện chủ trương không khai thác rừng tự nhiên (đóng cửa rừng) trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) thì DVMTR là nguồn tài chính bền vững góp phần thực hiện nhiệm vụ này. Nguồn tài chính này được chi trả cho các chủ rừng, các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng.

Chúng ta đã thực hiện chính sách này 9 năm qua (2 năm thực hiện thí điểm ở Sơn La, Lâm Đồng). Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99 về thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên toàn quốc. Mỗi năm trung bình thu được 1.300 tỷ đồng DVMTR, nguồn tài chính sẽ tiếp tục tăng thêm theo cơ chế thị trường và ngày càng bền vững. Nguồn thu từ DVMTR hiện đã lớn hơn nguồn ngân sách của Nhà nước đầu tư hằng năm cho công tác BV&PTR. Diện tích rừng đang được chi trả DVMTR là 5,8 triệu héc-ta (chiếm 42% tổng diện tích rừng cả nước) đã góp phần BV&PTR, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định số 47 sửa đổi, bổ sung nâng mức thu một số DVMTR lên 1,5 lần so với Nghị định số 99. Dự kiến năm 2017, chúng ta sẽ thu được khoảng 1.700 tỷ đồng, đây là nguồn tài chính góp phần quan trọng trong công tácBV&PTR.

Bạn bè quốc tế cũng đánh giá mức thu DVMTR theo Nghị định số 47 của Chính phủ vừa ban hành vẫn còn thấp so với giá trị mà rừng tạo ra. Theo cơ chế thị trường, dần dần chúng ta phải tiếp tục tăng mức thu.

Hiện nay, chúng ta đang được bạn bè quốc tế hỗ trợ xây dựng cơ chế để chi trả hấp thụ khí nhà kính (tín chỉ CO2) từ rừng-đây cũng là một nguồn thu từ DVMTR. Theo các nhà khoa học, quản lý tính toán, nếu áp dụng cơ chế này, nguồn thu có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi (khoảng 2.600-3.000 tỷ đồng).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Ảnh: Nguyễn Kiểm

PV: Vì sao chúng ta phải sửa đổi Luật BV&PTR, các chủ rừng sẽ hưởng lợi gì từ việc sửa đổi luật lần này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Từ khi ban hành Luật BV&PTR năm 2004, những mục tiêu cơ bản, định hướng của Đảng, Nhà nước, chiến lược về phát triển ngành lâm nghiệp cơ bản được thực hiện tốt. Tuy nhiên, Luật BV&PTR năm 2004 được ban hành khi đang thực hiện Hiến pháp 2002 nên chế định sở hữu rừng lúc đó hoàn toàn khác so với chế định về sở hữu rừng theo Hiến pháp năm 2013 đang thi hành hiện nay. Mặt khác, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo tồn thiên nhiên, Luật Thủy sản, Luật Đất đai đã sửa đổi có những xung đột với luật này. Chưa kể luật pháp quốc tế thay đổi do biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; các quy định quốc tế cũng đòi hỏi chặt chẽ hơn về kiểm soát nguồn gốc gỗ; yêu cầu tái cơ cấu của ngành lâm nghiệp cũng đòi hỏi cao hơn, chúng ta phải sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản theo chuỗi để nâng cao năng suất chất lượng rừng và giá trị gia tăng… Do đó phải tiến hành sửa đổi luật. Khi sửa Luật BV&PTR, chủ rừng cũng sẽ có nhiều quyền hơn, chủ động hơn trong việc sản xuất, tiếp cận cơ chế, chính sách của Nhà nước để kinh doanh theo hướng có lợi nhất.

Đại diện ban, ngành, đoàn thể TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) trồng cây trên khai trường mỏ của Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản (Tổng công ty Đông Bắc). Ảnh: Hoàng Gia Minh

PV: Dự thảo Luật BV&PTR sẽ được trình ra Quốc hội khi nào? Đâu là điểm mới của dự thảo luật lần này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Quốc hội sẽ đưa chương trình sửa đổi Luật BV&PTR tại kỳ họp tháng 5-2017, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo luật và theo kế hoạch, kỳ họp cuối năm 2017, Quốc hội sẽ thông qua. Điểm mới của dự thảo Luật BV&PTR lần này là đưa nội dung dịch vụ phi lâm sản, nguồn thu phi lâm sản trong đó có nguồn thu DVMTR vào luật. Đây là bổ sung mới quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của DVMTR. Dự thảo Luật BV&PTR nếu được thông qua sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách dưới luật để mở rộng các dịch vụ phi lâm sản liên quan đến DVMTR, góp phần BV&PTR bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!