Đại lễ Phật đản 2016: Truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Mỗi mùa trăng tròn tháng Tư âm lịch về, cũng là lúc một mùa Phật đản đến. Với những người con Phật, Phật đản là ngày lễ thiêng liêng, ngày mà mỗi người hướng tâm mình về Đức Phật, để thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Phật.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự kiện Đức Phật đản sinh là bức thông điệp hòa bình, hạnh phúc thương yêu, mở ra con đường mà tự thân mỗi người phải vượt qua sự cám dỗ, tu tập Giới-Định-Tuệ, hướng đến sự an lạc, giải thoát. Ngài là sự kết tinh của từ bi và trí dũng, vì lợi ích, vì hạnh phúc và an lạc cho chúng sinh. Ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng không chỉ là niềm tin, chỗ dựa vững chắc, mang những ý nghĩa thiêng liêng thiết thực đối với Tăng Ni, Phật tử mà còn ảnh hưởng tích cực, tác động sâu sắc đến đời sống nhân loại.

Kỷ niệm ngày đản sinh Phật lịch 2560 còn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi hòa trong niềm hỷ lạc của ngày khánh đản là niềm hân hoan phấn khởi trước những thành tựu và sự phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt chặng đường 35 năm thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam trên tinh thần đoàn kết hòa hợp.

Sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 là một bước ngoặt lớn của Phật giáo Việt Nam, sự thành tựu đầu tiên đó là thống nhất được các hệ phái hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 35 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã từng bước ổn định, phát triển và hòa nhập cùng khắp năm châu.

Đoàn đại biểu Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đến chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản 2016 - Phật lịch 2560 (Ảnh: Nguyễn Dân/ TTXVN)
Đoàn đại biểu Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đến chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản 2016 – Phật lịch 2560 (Ảnh: Nguyễn Dân/ TTXVN)

Năm nay, mùa Phật đản cũng trùng với dịp cả nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020. Màu băng rôn, biểu ngữ hòa với màu cờ, hoa, đèn đuốc khắp các ngả đường, phố phường, thôn xóm làm không khí của ngày hội toàn dân và ngày lễ của những người con Phật càng thêm tưng bừng, náo nức.

Ngoài việc trang hoàng cho Đại lễ Phật đản, và cũng là tô thắm thêm cho không khí ngày hội toàn dân, tại nhiều chùa, thiền viện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp Phật đản như thi Phật pháp, triển lãm nghệ thuật Phật giáo, phóng sinh đăng, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam dioxin, gia đình chính sách, trao tặng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ kinh phí xây dựng trường mầm non…

Đặc biệt, trong dịp Phật đản này, Ban Văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Triển lãm tranh, tượng điêu khắc, cổ vật Phật giáo với chủ đề “Phật giáo và môi trường,” quy tụ 12 họa sĩ có uy tín là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với 140 tác phẩm, 15 tượng.

Các tác phẩm khắc họa đời sống con người gần gũi với thiên nhiên trù phú, môi trường xanh. Đây là một trong những hoạt động thiết thực để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, kêu gọi mọi người nêu cao ý thức bảo vệ môi trường.

Trong thông điệp gửi tới tăng ni, cư sỹ, phật tử nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560, Dương lịch 2016, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã nhắn nhủ những người con Phật với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân, bằng những hành động thiết thực nhất, hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.

Lý giải về thông điệp này, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, giáo lý Phật giáo luôn chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Trong kinh A Hàm, Đức Phật đã dạy: “Tỷ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: Ta nương vào khu rừng này để ở, chưa có chính niệm sẽ được chính niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu hoặc chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết bàn…Này các Tỷ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch”. Hiện nay, biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống không chỉ của người dân Việt Nam mà cả toàn cầu.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc về thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ “Đảm bảo bền vững về môi trường” (mục tiêu thứ 7), thực thi cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về môi trường ở Paris (Pháp), cộng đồng Phật giáo thế giới đã cùng chung tay hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Thông điệp Phật đản Phật lịch 2560 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu là sự cụ thể hóa chương trình hành động đó và cũng là thực hiện Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với quan niệm trồng cây bảo vệ rừng là một phước lớn, trồng một cây xanh là gieo được một cội phúc cho mình, gieo hòa bình cho thế giới, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào trồng cây, bảo vệ môi trường xanh sạch ở nhiều địa phương, điển hình như chương trình “Trồng 1.000 cây hoa ngọc lan” tại các di tích lịch sử, đền, chùa; “Trồng 10.000 cây hoa ban tại Điện Biên và cả nước”. Chương trình đầu tiên được thực hiện tại tỉnh Điện Biên với việc trồng 100 cây hoa ngọc lan, 10 cây bồ đề và 10 cây osaka.

Tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc – cột mốc tâm linh vùng biên cương Tổ quốc, 70 cây hoa ngọc lan, 4 cây bồ đề và 3 cây osaka đã được trồng.

Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tăng cường công tác từ thiện xã hội, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, tuyên truyền nâng cao kỹ năng hiểu biết, ứng phó với thiên tai cho các tăng ni, phật tử…

Với tinh thần từ bi, chia sẻ và yêu thương, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những khó khăn mất mát của ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hải sản chết hàng loạt vừa qua, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký công văn gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về cứu trợ, động viên tinh thần ổn định đời sống cho ngư dân.

Hơn 700 suất quà, mỗi suất trị giá 600.000đ bao gồm tiền mặt, gạo, mỳ gói, dầu ăn… được trao cho ngư dân ở Hà Tĩnh và 1.000 suất quà trị giá 600 triệu đồng được trao cho ngư dân tỉnh Quảng Bình.