Sai phạm tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đắk Nông): Có dấu hiệu hình sự

ThienNhien.Net – Ông Đỗ Hồng Quân – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa – và những cán bộ thuộc quyền đã để hàng nghìn hécta rừng bị tàn phá, không có biện pháp ngăn chặn. Sau đó, Công ty còn giao khoán hơn 1.000ha đất rừng cho những cá nhân cư trú ở địa phương khác, không thuộc đối tượng được nhận khoán đất rừng. Sai phạm này được cơ quan chức năng xác định là nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự.

Rừng do Cty Gia Nghĩa quản lý bị chặt, đốt để chiếm đất (Ảnh: Đ.T.K)
Rừng do Công ty Gia Nghĩa quản lý bị chặt, đốt để chiếm đất (Ảnh: Đ.T.K)

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, được giao hơn 22.000ha rừng tự nhiên trên địa bàn TX.Gia Nghĩa và huyện Đắk G’long để quản lý, sản xuất kinh doanh. Tính từ năm 2009 đến nay, đã có 2.218ha rừng do Công ty quản lý bị chặt phá, biến thành trang trại, đất nông nghiệp. Tình trạng phá rừng, tranh cướp đất rừng trong lâm phần do Công ty quản lý rất hỗn loạn, công khai giữa ban ngày.

Thậm chí, khi kiểm tra công tác bảo vệ rừng ngoài thực địa – ngày 10.2, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chứng kiến rừng đang bị chặt phá, đốt dọn tại 3 vị trí khác nhau, với diện tích gần 5ha. Hàng chục đối tượng ngang nhiên hạ cây bằng cưa xăng, gom thành đống to để đốt, khói lửa ngút trời nhưng không thấy bóng dáng lực lượng bảo vệ rừng. Điều này giải thích vì sao hàng nghìn hécta rừng bị tàn phá nhưng Công ty không hề biết. Trước thực trạng trên, UBND TX.Gia Nghĩa đã thành lập đoàn liên ngành chốt chặn, Công an thị xã đã khởi tố hàng chục đối tượng phá rừng với diện tích thiệt hại hơn 100ha.

Theo thống kê của Công an TX.Gia Nghĩa, chỉ riêng Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín – một trong 3 xí nghiệp quản lý rừng thuộc Công ty – đã có hơn 1.000ha rừng bị 249 cá nhân bao chiếm trái phép. Trên diện tích này đã trồng 588ha cà phê, 49ha hồ tiêu, 52ha caosu, hơn 300ha sắn… Thế nhưng Công ty Gia Nghĩa cũng không có hồ sơ quản lý, chưa từng báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng
xử lý.

Giao khoán đất rừng trái quy định

Từ nhiều năm nay, dư luận ở Đắk Nông cho rằng, việc giao khoán đất rừng theo Nghị định 135/2005 của Chính phủ tại Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa đã bị lợi dụng. Chỉ có người thân, chỗ quen biết với lãnh đạo Công ty hoặc có quan chức đứng sau mới được nhận khoán, còn người dân bình thường thì không dễ gì được giao.

Theo kết quả thanh tra, từ năm 2009-2014, Công ty giao khoán hơn 1.130ha cho 147 cá nhân để bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, trồng caosu. Phần lớn các hợp đồng giao khoán đều có dấu hiệu bất minh, sai đối tượng, trái quy định của Nhà nước.

Theo Nghị định 135, đối tượng được giao khoán đất rừng là người dân có hộ khẩu tại địa phương, sinh sống bằng nghề nông, ưu tiên cho đồng bào dân tộc tại chỗ… Nhưng qua kiểm tra 147 hợp đồng giao khoán, chỉ có 2 hộ là người đồng bào dân tộc tại chỗ, trong khi có tới 27 hộ cư trú ở xã khác, huyện khác – thể hiện trong hồ sơ – vẫn được nhận khoán. Đó là chưa kể 21 trường hợp khai man trong hồ sơ là có hộ khẩu tại địa phương, để được nhận khoán hơn 83ha đất rừng.

Như vậy, Công ty Gia Nghĩa đã giao khoán đất rừng sai đối tượng cho ít nhất 48 trường hợp. Nghiêm trọng hơn, Công ty còn giao “chui” hơn 200ha đất rừng cho 67 hộ. Đây là diện tích đất phá rừng chưa được xác minh, xử lý, phương án giao khoán chưa được Sở NNPTNT thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt.

Từ việc làm tùy tiện, bất minh của ông Đỗ Hồng Quân và các cán bộ thuộc quyền, chủ trương giao khoán đất lâm nghiệp cho người dân không đem lại hiệu quả. Diện tích rừng giao khoán bảo vệ bị chặt phá (50/152ha), sử dụng đất rừng sai mục đích, không trồng rừng mà trồng cây nông nghiệp (266ha), thậm chí xây nhà kiên cố trên đất rừng…

Hành vi buông lỏng quản lý, để rừng bị tàn phá trong thời gian dài, giao khoán đất rừng trái quy định của Công ty Gia Nghĩa là nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự.

Do vậy mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra, xử lý các tập thể, cá nhân theo quy định. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là 48 cá nhân “giả” làm dân địa phương để được nhận khoán đất rừng là ai, vì sao lại được Công ty Gia Nghĩa ưu ái trái quy định?