Trồng rừng ở Tây Bắc, nhiệm vụ khó thực thi?

ThienNhien.Net – Việc trồng rừng không mấy hiệu quả, nhiều địa phương liên tục nhiều năm trồng rừng chỉ đạt vài chục phần trăm kế hoạch.

Nhằm khắc phục tình trạng mất rừng, các tỉnh Tây Bắc đang tăng cường biện pháp giữ rừng; đẩy mạnh công tác trồng rừng bổ sung, thay thế. Thế nhưng việc trồng rừng lại không mấy hiệu quả, nhiều địa phương liên tục nhiều năm trồng rừng chỉ đạt vài chục phần trăm kế hoạch đề ra.

Chế biến gỗ rừng trồng ở Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Việt Hưng.
Chế biến gỗ rừng trồng ở Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Việt Hưng

Năm 2015, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu trồng 1.300 ha rừng tập trung, bao gồm trên 1.200 héc ta rừng phòng hộ, 33 ha rừng thay thế. Kết thúc vụ trồng rừng, toàn tỉnh chỉ thực hiện đạt 24,4% kế hoạch trồng rừng phòng hộ. Đây không phải năm đầu tiên tỉnh Điện Biên trồng rừng không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2014, thậm chí cả 2013, tỉnh cũng chỉ trồng đạt 30 đến 35% kế hoạch.

Lý giải nguyên nhân, bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp tỉnh Điện Biên cho biết, không ít lý do. Tuy nhiên, cơ bản nhất là do bất cập về cơ chế chính sách. Sự bất cập này thể hiện rõ nhất ở 2 nội dung rất quan trọng, nếu không nói là quyết định. Đó là vốn trồng rừng không bảo đảm và lợi ích từ trồng rừng không thuyết phục người trồng.

Hiện nay, tỉnh đang áp dụng việc hỗ trợ trồng rừng theo Quyết định 60 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, quy định đầu tư trồng 1 ha rừng phòng hộ là 15 triệu đồng. Trong khi đó, các Nhà máy thủy điện phả bỏ ra  khoảng 60 triệu đồng cho một ha trồng rừng thay thế thì rừng phòng hộ Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng một  phần tư để trồng rừng.

“Chi phí trồng rừng bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí trực tiếp là công của người dân làm, bao gồm xử lý thực bì, làm đất, tiền mua cây, đào hố, lấp hố trồng rừng. Sau khi trồng lại phát dọn thực bì, vun gốc cho cây…Theo từng công thức, đối với vùng xa có thể nhiều hơn một chút, hoặc đối với loài cây giá cao thì tiền cao hơn một chút, nhưng dao động trong khoảng từ 55 đến 60 triệu. Vậy nên quy định 15 triệu/ha là không thực hiện được”, bà Đặng Thị Thu Hiền nói.

Ngay ở Yên Bái có độ ẩm cao, một số huyện như Yên Bình, Trấn Yên giao thông đi lại dễ dàng, tạo nhiều lợi thế cho việc trồng rừng. Thế nhưng, theo tính toán của người trồng rừng, trồng 1 ha rừng, sau 7 – 8 năm cho thu hoạch cũng chỉ được 70 đến 80 triệu đồng, trừ chi phí thì cũng không được lãi là bao, so với trồng các cây khác cũng không có lợi gì hơn. Với nhiều hộ trồng rừng diện tích manh mún, nhỏ lẻ, chỉ vài nghìn mét vuông, thu nhập không đảm bảo được đời sống hàng ngày.

Anh Nguyễn Hùng Anh, thôn Đồng Tâm, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, do làm manh mún. Muốn vay được vốn đó phải có hóa đơn chứng từ mua cây giống có nguồn gốc xuất xứ, mua phân bón cũng phải có hóa đơn thì mới tiếp cận được nguồn vốn. Về kỹ thuật chủ yếu chúng tôi tự làm không có kỹ thuật. Ngoài ra do không có vốn để quay vòng, từ 5 đến 7 năm chúng tôi đã khai thác rồi, nên giá trị về kinh tế rừng không cao”.

Không chỉ người dân khó tiếp cận vốn vay ưu đãi, mà đây cũng là vấn đề đau đáu của các doanh nghiệp tham gia trồng rừng. Vẫn tại Yên Bái – địa phương có nhiều rừng nhất trong khu vực, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng cũng đang lao đao vì không được vay vốn ưu đãi; rừng nguyên liệu khi gặp thiên tai không được hỗ trợ khắc phục.

Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Việt Hưng có trụ sở tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái từng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và chế biến gỗ rừng trồng từ hơn 40 năm nay là một thực tế.

Ông Lê Sỹ Hinh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty khó khăn nhất là vốn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Từ năm 2004 đến nay, chúng tôi không được vay nguồn vốn ưu đãi mà ngân hàng hỗ trợ phát triển trồng rừng sản xuất, mà phải dùng vốn tự có để hoạt động. Do đặc thù sản xuất lâm nghiệp là sản xuất ngoài trời, năng suất chất lượng lao động phục thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là sâu bệnh và bão lũ.

Năm 2013, 2014 công ty bị dịch sâu bồ đề, thiệt hại đến trên 1 tỷ đồng, nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.

Tại tỉnh Lai Châu, trước đây đã có rất nhiều doanh nghiệp hăng hái tham gia trồng rừng. Năm 2010 – 2011, 17 doanh nghiệp ở tỉnh này đã trồng trên 16.000 héc ta rừng. Nhưng sau đó, do không được vay vốn ưu đãi, đầu ra bấp bênh, nên đến nay họ đã bỏ không tham gia trồng rừng nữa.

Nói về những bất cập trong chính sách  dẫn đến các địa phương rất khó đạt mục tiêu trông rừng theo kế hoạch, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Hiện nay Nghị định 75 của Chính phủ về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 – 2020 đã có rồi, nhưng đang thiếu thông tư hướng dẫn nên các tỉnh chưa triển khai được. Nếu triển khai nghị định này, chúng tôi kiến nghị với các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc suất đầu tư phải đảm bảo các chi phí thực tế mà người dân phải bỏ ra trồng rừng, có như vậy việc trồng rừng mới hiệu quả. Chứ chỉ hỗ trợ, thì việc trồng rừng ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc rất khó thực hiện”.

Trong bối cảnh rừng đang mất dần do bị tàn phá nghiêm trọng, việc giữ và trồng rừng bổ sung, thay thế, là điều cấp thiết. Các địa phương cũng nhận thức được điều này, nhưng như phản ánh của chúng tôi, thực tế ở các tỉnh Tây Bắc đang “lực bất tòng tâm” trong triển khai kế hoạch trồng rừng, cũng như bảo vệ và phát triển rừng. Cần làm gì để có “lực” để trả lại màu xanh cho rừng Tây Bắc? Nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc.