Nguyên nhân cá chết biển miền Trung: Cần nhiều cơ sở khoa học hơn để kết luận

ThienNhien.Net – Công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguyên nhân tình trạng cá biển chết hàng loạt dọc một số tỉnh miền Trung là chưa thỏa đáng về mặt khoa học. Đó là nhận định của Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam trong cuộc trò chuyện với chúng tôi dưới đây.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hai nguyên nhân gây chết cá hàng loạt ở miền Trung mà Bộ TN&MT công bố?

TSKH Nguyễn Tác An: Tôi cho rằng công bố này là chưa thỏa đáng về mặt khoa học. Nếu nói là do độc tố thì phải nói rõ là do độc tố gì; công thức hóa học thế nào; hàm lượng bao nhiêu; hòa tan hay lơ lửng; nguồn gốc do đâu; thời gian tồn tại… Còn nếu nói là do thủy triều đỏ, thì phải nói rõ: thủy triều đỏ do loài tảo đơn bào nào; sinh khối bao nhiêu; gây độc hại theo cơ chế nào; hiện tại còn có dấu vết gì của hiện tượng thủy triều đỏ không… Đã là công bố của cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý thì phải có số liệu và nhận định trên cơ sở khoa học cụ thể, nhất là trong thời đại văn minh và bùng nổ thông tin như hiện nay.

Cá chết ở bờ biển Hà Tĩnh (Ảnh: BizLIVE)
Cá chết ở bờ biển Hà Tĩnh (Ảnh: BizLIVE)

PV: Hiện nay các nhà khoa học và dư luận đang phản đối dữ dội đối với một trong hai giả định của Bộ TN&MT về hiện tượng thủy triều đỏ gây chết cá. Ý kiến của ông về điều này như thế nào? Nếu cá chết do thủy triều đỏ thì có gây hại cho người ăn không, thưa ông?

TSKH Nguyễn Tác An: Kết luận chưa có cơ sở khoa học chắc chắn sẽ gây hại cho xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với các cơ quan có chức năng quản lý. Đặc biệt là nguy hại cho công tác quản lý môi trường vì không tìm ra nguyên nhân thực sự thì sẽ không thể đề xuất được giải pháp quản lý hiệu quả. Cá chết do thủy triều đỏ cũng gây hại rất lớn cho sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong. Nhưng may mắn là nếu xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ thì người dân ven biển sẽ tự phát hiện được ngay do cảm quan màu nước biển thay đổi và môi trường bốc mùi khó chịu nên họ sẽ tự đề phòng được.

PV: Ông có đồng tình với kết luận của Bộ khi cho rằng Formosa vô can trong vụ việc này, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại?

TSKH Nguyễn Tác An: Tôi nghĩ nhà nước phải tăng cường kiểm soát hơn nữa những tác động tiêu cực của Formosa đến môi trường biển ở Vũng Áng trong vòng bán kính 170 km. Theo tôi được biết, công nghiệp sản xuất thép, nhất là khi sử dụng công nghệ “lò cao” (công nghệ tạo ra lượng chất thải rất lớn trong quá trình vận hành) như ở Công ty Hưng nghiệp Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng thì để có 1 tấn thép với công nghệ “lò cao” sẽ thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3m3 nước thải độc hại. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại…

PV: Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng nghiên cứu nguyên nhân, ông có lời khuyên gì cho người dân và chính quyền địa phương?

TSKH Nguyễn Tác An: Tác động ghê gớm của chất thải công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất thép đã được ghi nhận từ lâu và ở hầu hết các nước, các địa phương có khu công nghiệp gang thép, nhất là trong các quốc gia lạc hậu về công nghệ và cách thức quản lý môi trường. Với công nghệ ”lò cao” như Công ty Hưng nghiệp Formosa đang sử dụng ở khu kinh tế Vũng Áng hiện nay trong bối cảnh quản lý chưa hợp lý và thiếu hiệu quả như vừa qua thì sự cố “nhân tai” hiện nay dường như chỉ mới là những tín hiệu khởi đầu cho một cuộc “khủng hoảng” sinh thái biển ở khu vực Trung Trung bộ.

Đối với chính quyền, theo tôi nên tăng cường khả năng kiểm soát môi trường, đồng thời phải xác định, đánh giá khách quan những thiệt hại kinh tế xã hội và môi trường của địa phương do cá chết hàng loạt để có sự hỗ trợ kịp thời cho dân chúng và có bằng chứng khoa học để yêu cầu những người gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi thường. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để tiêu hủy các loài cá chết, cần khuyến cáo và kiểm soát để dân chúng không thu gom cá chết bán cho gian thương, gây hại sức khỏe cho xã hội.

Đối với người dân, chúng tôi xin chia sẻ những mất mát và thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài, chúng tôi sẵn sàng góp sức, sử dụng các tri thức và công nghệ để làm rõ vấn đề, nguyên nhân của sự cố và đòi lại công bằng cho người dân. Người dân nên khuyên bảo lẫn nhau không thu gom cá chết bán cho gian thương, tiếp tay gây hại cho sức khỏe của cộng đồng. Riêng về khai thác sử dụng hải sản, trước mắt nên sử dụng các loài cá còn sống, bơi lội khỏe mạnh hoặc các loài cá biển khai thác xa bờ. Hiện nay và trong thời gian sắp tới không nên khai thác, bán buôn và sử dụng các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, sò… vì chúng có khả năng tích lũy độc tố. Những người làm nghề nuôi biển trong khu công nghiệp gang thép Vũng Áng cũng nên tìm cách chuyển đổi ngành nghề.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong các ngày vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo giao Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; có đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Thủ tướng cũng giao các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và các địa phương trong cả nước chủ động tiến hành rà soát các Dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.