Khuyến khích thay vì trừng phạt để bảo tồn

ThienNhien.Net – Thiết lập vườn quốc gia và khu bảo tồn vẫn được coi là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để bảo tồn đa dạng sinh học vì các khu vực này thường hạn chế hoặc cấm tuyệt đối mọi sự tiếp cận tài nguyên của con người, mặc cho điều đó ảnh hưởng đáng kể tới sinh kế của họ. Nhà nghiên cứu Mậu Ninh Đoan Mộc tại Đại học Michigan gọi đây là chiến lược “rào và phạt” (fences and fines). Và theo ông, ở một số nơi, cách làm này cuối cùng lại gây bất lợi cho mục tiêu bảo tồn một hệ sinh thái nguyên vẹn. Có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu thưởng tiền vì không xâm phạm thay vì phạt tiền do vi phạm.

160316_baoton

Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về sở hữu đa dạng về cả chủng loại và số lượng loài trên thế giới. Từ những năm 80, các khu bảo tồn được dựng lên khắp nơi ở Trung Quốc, chủ yếu đều áp dụng cách tiếp cận “rào và phạt”. “Rào” có nghĩa ngăn không cho động vật thoát ra và con người xâm nhập từ bên ngoài vào, còn “phạt” áp dụng với những đối tượng phớt lờ hàng rào này. Vấn đề ở đây chính là những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của hàng chục triệu người sống bên trong và xung quanh các khu vực được bảo vệ.

Kể từ năm 2001, Trung Quốc quyết định áp dụng một hình thức bảo tồn mới: Chương trình Bảo tồn Rừng tự nhiên (NFCP). Theo đó, các công ty lâm nghiệp, chính quyền địa phương và mọi cá nhân khi chuyển từ khai thác gỗ sang hình thức quản lý rừng mới theo hướng bảo tồn sẽ được nhà nước bồi thường xứng đáng cho những thiệt hại kinh tế mà họ có thể phải chịu.

Những chương trình tương tự cũng đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa thực sự được tính đếm. Vì vậy, nhà nghiên cứu Đoan Mộc và nhóm cộng sự quyết định nghiên cứu về tình trạng bảo tồn loài gấu trúc – một loài nguy cấp mang tính biểu tượng – trong khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long rộng 2000 km2, nơi sinh sống của khoảng 10% gấu trúc trên toàn thế giới. Cũng giống như hầu hết các loài động vật biểu tượng khác, bảo vệ sinh vật lông xù hoạt bát đáng yêu này sẽ giúp bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái.

Khác với hầu hết các vườn quốc gia tại Hoa Kỳ, tại đây, khu vực dân cư nằm hoàn toàn trong khu vực bảo tồn. Tất cả 1.200 hộ dân thuộc thị trấn Ngọa Long và Cảnh Đạt đều nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên, còn thị trấn Tam Giang với 1.100 hộ thì nằm ngay sát ranh giới của khu bảo tồn. Trước khi Chương trình NFCP được đưa vào thực thi, cả 3 thị trấn này đều dựa vào sinh cảnh trong khu bảo tồn để canh tác nông nghiệp và khai thác gỗ, khiến loài gấu trúc mất đi môi trường sống quan trọng.

Đến nay, Chương trình NFCP đã thực hiện đền bù cho các thị trấn và hộ gia đình làm nhiệm vụ trông coi rừng và báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Các hộ tại Ngọa Long và Cảnh Đạt được chi trả khoảng 110 USD/ năm, tương đương 8% thu nhập trung bình tại đây. Các hộ ở Tam Giang nhận được một nửa so với hai thị trấn trên. Chương trình NFCP cũng chi trả thêm cho chính quyền địa phương để bảo vệ các khu vực khác thuộc khu bảo tồn.

Khác với các nghiên cứu trước đây đã kết luận Chương trình NFCP có hiệu quả trong việc tăng diện tích bao phủ của rừng nhưng lại chưa kiểm chứng được ảnh hưởng của chính sách đối với đời sống động thực vật tự nhiên, nghiên cứu của Đoan Mộc đã kết luận, nhờ Chương trình NFCP, từ năm 2001-2007, diện tích môi trường sống phù hợp với gấu trúc đã gia tăng. Đồng thời, nghiên cứu cũng nhận thấy, khoản chi trả cho các hộ gia đình để bảo vệ rừng hiệu quả gấp 2,5 lần khoản chi cho chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, bảo tồn đa dạng sinh học vốn không phải là mục tiêu chính của Chương trình NFCP mà là một hệ quả bất ngờ. Bên cạnh tác dụng phục hồi rừng, bằng cách giao quyền bảo vệ hệ sinh thái cho các hộ gia đình địa phương, chương trình đã giúp đảo ngược xu thế suy giảm môi trường sống của gấu trúc kéo dài trong suốt một thập kỷ.

Chứng tỏ, các ý tưởng cao xa có thể là động cơ thúc đẩy, nhưng cuối cùng thông điệp thuyết phục lại chính là Tiền mặt.