Cơ sở dữ liệu toàn cầu về bảo tồn linh trưởng

Trong khi con người (Homo sapiens) là một loài linh trưởng đã phát triển và lan rộng khắp hành tinh, thì vẫn còn khoảng 60% các loài linh trưởng khác đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc bảo tồn những sinh vật phức tạp và thông minh này có thể trở nên thách thức ở nhiều cấp.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhân chủng Tiến hóa Max Planck và Đại học Cambridge vừa công bố kết quả của một dự án kéo dài ba năm nhằm thu thập dữ liệu về mức độ hiệu quả của các sáng kiến bảo tồn linh trưởng, từ vượn cáo cho tới tinh tinh. Mục tiêu của dự án ‘Primate Synopsis’ này là tái hiện hiện trạng bảo tồn nhằm giúp các nhà bảo tồn tiếp cận được nguồn thông tin sẵn có chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Theo đó, dự án đã thu thập các bài báo khoa học, các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, đồng thời khảo sát các can thiệp bảo tồn. Nhóm dự án gồm 23 chuyên gia về linh trưởng trên thế giới đã xác định được 162 can thiệp bảo tồn thực hiện với động vật linh trưởng.

Kết quả của dự án là một Cơ sở dữ liệu toàn cầu về các can thiệp bảo tồn linh trưởng có thể truy cập miễn phí và tất cả các bài nghiên cứu có thể tải xuống theo định dạng PDF để sử dụng ở những khu vực không thể truy cập internet. Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Claire Wordley giới thiệu một phần kết quả của dự án này.

Một chú linh trưởng nhai dây điện ở Valparai, Ấn Độ. Ảnh: Claire Wordley.

Điều gì có thể giúp bảo tồn động vật linh trưởng?

Rất khó để trả lời được câu hỏi này vì linh trưởng đa dạng về loài và công tác bảo tồn rất phức tạp.

Động vật linh trưởng và con người xung đột ở nhiều nơi, trên nhiều cấp độ. Chúng phá hoại mùa màng, cắn dây cáp, xả rác, lấy cắp thực phẩm và có thể tấn công con người khi được cho ăn. Ngược lại, con người phá hủy môi trường sống của loài linh trưởng, gây tai nạn cho chúng bằng các phương tiện giao thông, và săn bắt chúng lấy thịt và làm vật nuôi.

Khỉ đuôi sư tử trưởng thành và con của nó ở Valparai, Ấn Độ. Ảnh: Claire Wordley

Trong khi đó, các động vật linh trưởng này là những sinh vật có tâm lí phức tạp, phản ứng của chúng khó dự đoán và có thể gây khó khăn cho công tác bảo tồn.

May mắn thay, có một số giải pháp được ghi nhận có hiệu quả để khắc phục tình trạng xung đột này. Người ta đã nhìn thấy khỉ sư tử mặt đen Tamarins và khỉ mũ Capuchin ở Brazin băng qua những cây cầu được xây dựng để giúp chúng qua đường. Sáu loài vượn cáo ở Madagascar cũng đã sử dụng cây cầu bắc qua đường và các khu vực khai thác mỏ thay vì băng qua con đường bên dưới. Thậm chí tốt hơn nữa, một nghiên cứu kéo dài mười ba năm ở Belize cho thấy số lượng khỉ hú đen tăng lên sau khi xây dựng cây cầu bắc qua đường, như một phần của kế hoạch bảo tồn.

Một số nghiên cứu đã thành công khi đưa chúng hòa nhập vào cộng đồng với con người. Tuy nhiên, cách tốt nhất để thu hút chúng là gì? Trong những hoàn cảnh nào có thể hòa nhập vào cộng đồng một cách tốt nhất? Trong số ba nghiên cứu thử nghiệm tính hiệu quả của phương thức đưa linh trưởng hòa nhập với cộng đồng thì hai thí nghiệm đã thành công với loài khỉ đen ở Belize và khỉ đột ở Cameroon. Trong khi đó, thí nghiệm còn lại với loài khỉ đột sống trên núi ở một số nước châu Phi lại cho thấy số lượng loài có dấu hiệu giảm mặc dù đã có chương trình giáo dục môi trường tại địa phương.Vì vậy, để trả lời những câu hỏi trên cần nhiều nghiên cứu hơn.

Những chú Voọc ở Pháo đài Amer gần Jaipur, Ấn Độ. Ảnh: Claire Wordley

 Xác định được điều tạo nên thành công và thất bại là rất quan trọng

Có phải các yếu tố bên ngoài như xung đột với con người là nguyên nhân mà loài khỉ đột trên núi tiếp tục giảm trong nghiên cứu ở Trung Phi? Hay do chương trình giáo dục môi trường chưa hiệu quả?

Mặc dù chương trình giáo dục môi trường về khỉ đột đã thất bại, nhưng các chiến dịch truyền thông đa phương tiện để thay đổi hành vi và thúc đẩy thái độ tích cực của con người đối với động vật linh trưởng đã hiệu quả ở nhiều nơi. Ba nghiên cứu cho thấy sự hiểu biết về động vật linh trưởng tăng lên ở những nơi thực hiện các chiến dịch truyền thông đa phương tiện trong số các biện pháp can thiệp khác; hai nghiên cứu cho thấy thái độ đối với linh trưởng được cải thiện; một nghiên cứu cũng cho thấy sự giảm bớt nạn săn bắn; và ba nghiên cứu cho thấy số lượng linh trưởng tăng lên. Chiến dịch truyền thông đa phương tiện rõ ràng có hiệu quả mạnh mẽ.

Khỉ vervet. Ảnh: Ricardo Rocha

Các can thiệp tạo ra nhiều kết quả khác nhau. Mặc dù là một trong những can thiệp được thử nghiệm nhiều nhất, nhưng việc tái thả động vật linh trưởng không thể dự đoán trước tỷ lệ thành công. Một số dự án cho thấy số lượng loài linh trưởng tăng lên, với tỷ lệ sống sót cao trong số được thả và sinh sản nhanh; những dự án khác lại cho thấy phần lớn số lượng được thả bị chết. Nguyên nhân không phải lúc nào cũng rõ ràng, vì nhiều dự án dường như đã thực hiện các biện pháp can thiệp tương tự như kiểm tra động vật, tạo điều kiện cho động vật thích nghi với khu vực mới trước khi thả và cung cấp thực phẩm bổ sung sau khi thả. Một số loài có thể dễ dàng thích nghi với sự dịch chuyển hoặc thả tự nhiên hơn những loài khác. Tuy nhiên, tất cả các dự án cần phải cẩn trọng kiểm tra các điều kiện tốt nhất để thả động vật vào tự nhiên. Điều này giúp mỗi dự án có cơ hội đạt được tỉ lệ thành công cao nhất.

Ví dụ, hầu hết khỉ đột (lên đến 85%) dường như vẫn sống sót trong vài năm sau khi được thả và đã sinh sản thành công. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu, đối với khỉ ververt, tỷ lệ sống sót dao động từ 60% trong sáu tháng sau khi được thả đến 17% trong 10 tháng sau khi được thả, theo kết quả một nghiên cứu khác. Liệu khỉ đột có nhiều khả năng sống sót hơn loài khỉ vervet hay không? Sự khác nhau về tỷ lệ sống sót của loài này giữa các nghiên cứu là do môi trường mà chúng được thả vào, quá trình hồi phục và giải phóng bản thân, hay môi trường mà các chúng từng sinh sống? Phương pháp tối ưu nào giúp đưa khỉ vervet trở lại môi trường hoang dã? Những câu hỏi này cần được trả lời trong các nghiên cứu sâu hơn.

Các can thiệp nào cần được khẩn trương nghiên cứu thêm?

Voọc ở Jaipur, Ấn Độ. Ảnh: Claire Wordley

Các nhà nghiên cứu của dự án Primate synopsis không thể tìm thấy bất kỳ nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của 59% các can thiệp. Theo đó, các tác giả lưu ý rằng các nghiên cứu thực nghiệm can thiệp đối với các loài nhỏ, các loài sống về đêm và loài linh trưởng ở Nam Mỹ và Châu Á là rất cần thiết, vì những loài này chưa được chú ý đúng mức trong cơ sở dữ liệu nghiên cứu toàn cầu.

Vì sự gia tăng các hoạt động khai thác mỏ trên toàn cầu trong môi trường sống của linh trưởng, các tác giả nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới phương thức giảm nhẹ ảnh hưởng của hoạt động khai thác và sản xuất năng lượng đối với linh trưởng và môi trường sống của chúng. Các hoạt động này có thể bao gồm giảm thiểu rung động mặt đất do các hoạt động khai thác mỏ lộ thiên, thiết lập các khu vực cấm khai thác trong hoặc gần các lưu vực sông nhằm bảo vệ nguồn nước và dành riêng khu vực bảo tồn linh trưởng ngay trong khu vực khai thác mỏ.

Nghiên cứu về các biện pháp tối ưu để hợp tác với các cộng đồng địa phương trong các khu vực sinh sống của linh trưởng cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc bảo tồn linh trưởng. Các nghiên cứu khác về tác động của các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức cũng như các can thiệp mang lại lợi ích tài chính hoặc phi tài chính cho cộng đồng địa phương để quản lý bền vững động vật hoang dã cũng sẽ giúp đánh giá được sự thành công tương đối của mỗi cách tiếp cận. Với mức chi phí cao cho việc thu hút cộng đồng tham gia bảo tồn, việc dành 5-10% ngân sách bảo tồn để kiểm tra tính hiệu quả của biện pháp can thiệp này là xứng đáng.

Loài vượn cáo. Ảnh: Ricardo Rocha.

Một trong những vấn đề chính nảy sinh khi thử nghiệm tính hiệu quả của các can thiệp bảo tồn là nhiều can thiệp được thực hiện cùng một lúc, gây khó khăn trong việc xác định tính hiệu quả của từng can thiệp. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách để tách biệt và thử nghiệm các can thiệp, chẳng hạn như bố trí xen kẽ thời gian triển khai các hoạt động can thiệp. Bộ công cụ “PRISM” miễn phí trên internet có thể giúp kiểm tra các can thiệp thực nghiệm tại hiện trường. Kết quả các thực nghiệm can thiệp này cũng có thể được công bố miễn phí trên tạp chí Bằng chứng Bảo tồn và nhiều nơi khác.

Rất nhiều nghiên cứu thú vị đã tạo ra cơ sở dữ liệu toàn cầu này về bảo tồn linh trưởng. Và với những nỗ lực tiếp theo của các nhà bảo tồn linh trưởng, việc cập nhật cơ sở dữ liệu trong một vài năm tới thậm chí sẽ tốt hơn, giúp hỗ trợ bảo tồn loài linh trưởng hiệu quả hơn.

Một chú khỉ ở sông Kotu, Gambia. Ảnh: Claire Wordley.
Khỉ sóc Simia sciureus. Ảnh: Ricardo Rocha.