Lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3: Bắt đầu bị …“xẻ thịt”

ThienNhien.Net – Hơn 10 năm trước, lòng hồ thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai đã bị nhiều tổ chức, cá nhân “xẻ thịt” để nuôi cá, nuôi heo, báo chí đã tốn nhiều giấy mực và cơ quan chức năng phải mất nhiều năm mới giải quyết xong. Nay trên thượng nguồn, lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 cũng đang bắt đầu bị xâm hại, có nguy cơ bị “băm nát” như Trị An nếu không sớm được ngăn chặn, xử lý.

Ngang nhiên xây đập trong vùng cấm

Từ đầu mùa mưa 2015, ông Lê Đăng Huynh – xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà – đã xây dựng một đập đất ngăn nước trong vùng lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 tại tiểu khu 290 thuộc thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Quan sát thực địa cho thấy công trình này gồm 2 bậc thang đập đất, các đập cách nhau khoảng 200m. Mỗi đập có chiều dài ước khoảng 60m, cao 3m, rộng 3m, riêng đập bên dưới có cống tràn bằng bêtông kiên cố. Hai bậc thang này được chủ nhân xây dựng với mục đích chặn nước, trữ nước để nuôi trồng thủy sản và tưới càphê. Khi chúng tôi đến, căn nhà của ông Huynh gần đập nước đóng cửa, trước sân có một máy ủi, một máy múc.

Ông Hồ Sỹ Hưng – Trưởng phòng Kỹ thuật Cty thủy điện Đồng Nai – cho biết, đập đất của ông Huynh nằm hoàn toàn trong phạm vi bảo vệ lòng hồ, đã được cắm mốc giới bảo vệ rõ ràng. Việc xây dựng đập đất này vi phạm Nghị định 112/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Trước mắt, việc xây dựng trái phép công trình này đã làm biến dạng địa hình, xâm hại cảnh quan, môi trường khu vực lòng hồ, có thể xả thải ô nhiễm vào lòng hồ từ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, hai bậc thang đập đất được xây dựng trên một nhánh suối chảy ra hồ, do vậy đã cản trở dòng chảy đến hồ – hành vi bị nghiêm cấm tại Nghị định 112. “Chúng tôi phát hiện sự việc trên vào ngày 24.12.2015, một ngày sau đó Cty đã có văn bản đề nghị UBND huyện Lâm Hà kiểm tra, chỉ đạo tháo dỡ công trình này” – ông Hưng nói.

Đập đất của ông Huynh nhìn từ phía hạ lưu (Ảnh: Lao Động)
Đập đất của ông Huynh nhìn từ phía hạ lưu (Ảnh: Lao Động)

Nguy cơ “vết dầu”

Cũng theo ông Hưng, đặc thù của hồ thủy điện Đồng Nai 3 là có nhiều khe luồn lách sâu vào bờ, mùa khô nước rút nên đào đắp rất dễ dàng, do vậy nguy cơ xâm hại lòng hồ là rất lớn. Mặt khác, vị trí ông Lê Đăng Huynh xây dựng công trình nằm gần quốc lộ 28 nên dễ phát hiện, còn những khu vực khác không có đường vào thì rất khó biết, càng để lâu càng khó xử lý. “Do vậy nếu không xử lý kịp thời, vụ việc trên sẽ thành tiền lệ xấu, sau này rất khó cho công tác bảo vệ lòng hồ” – ông Hưng nói.

Nghị định 112 cũng quy định UBND cấp huyện, cấp xã phải “chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ tại địa phương”.

Ngày 1.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Huyến – Chánh văn phòng UBND huyện Lâm Hà – cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của Cty thủy điện Đồng Nai, lãnh đạo huyện đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các ngành chức năng và UBND xã Tân Thanh đo đạc thực tế, kiểm tra hồ sơ, đánh giá hiện trạng công trình của ông Lê Đăng Huynh. Sau khi có kết quả kiểm tra, UBND huyện sẽ xem xét xử lý”.

Hồ thủy điện Đồng Nai 3 nằm trên thượng nguồn sông Đồng Nai, có dung tích tương ứng mực nước dâng bình thường là 1,6 tỉ mét khối, diện tích lưu vực lên tới 2.441km2. Lòng hồ nằm trên địa bàn các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm (thuộc tỉnh Lâm Đồng) và huyện Đắk G’long (tỉnh Đắc Nông). Công trình được chặn dòng tích nước từ tháng 9.2010, có nhiệm vụ cấp nước cho các nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và điều tiết lũ, cấp nước sản xuất cho hạ du.