Châu Á – Thái Bình Dương cần sớm khôi phục lại diện tích rừng

ThienNhien.Net – Việc diện tích rừng trên thế giới cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bị thu hẹp do sự khai thác bừa bãi của con người đã khiến Trái Đất phải đối mặt với những hệ lụy khủng khiếp như hiện tượng sa mạc hóa, thiên tai, lụt lội… Xung quanh vấn đề này, báo Bưu điện Jakarta số ra mới đây có đăng bài của chuyên gia Patrick Durst với tiêu đề: “Châu Á-Thái Bình Dương cần sớm khôi phục lại diện tích rừng” với nội dung như sau:

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), việc khai thác và quản lý yếu kém các khu rừng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã khiến gần 400 triệu ha đất nông nghiệp của khu vực này bị sa mạc hóa, phần lớn là tại Ấn Độ. Khu vực Đông Nam Á có 65 triệu ha đất bị suy thoái cần phải phục hồi.

Châu Á–Thái Bình Dương hiện đang phải trả một cái giá quá đắt cho việc tàn phá và khai thác rừng bừa bãi. Hậu quả của việc này dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đất đai bị xói mòn, người dân thường xuyên phải hứng chịu thảm họa lở đất, lụt lội, sự bồi lắng các hồ chứa nước và sự suy giảm của đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, việc đốt phá rừng dẫn đến cảnh nghẹt thở khói mù, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và góp phần vào việc gây ra hiệu ứng nhà kính.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Song những thảm họa do việc tàn phá, khai thác rừng không phải là không có cách khắc phục nếu người dân nhận thức đúng đắn được giá trị của các khu rừng.
Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris, Pháp vào tháng 12/2015, bản Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được các nước thành viên thông qua. Đây là một thỏa thuận lịch sử vì lần đầu tiên tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đi đến một thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí carbon. Bản thỏa thuận này một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Việc bản thỏa thuận lịch sử này được thông qua đã mở ra cơ hội lớn cho việc thu hút được nguồn kinh phí rộng rãi từ các chính phủ, các tổ chức tài trợ, các cơ quan viện trợ song phương, ngân hàng và các cá nhân cho việc bảo vệ và tôn tạo diện tích rừng của thế giới.

Là “lá phổi” của Trái Đất, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học. Bởi vậy, bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng luôn trở thành một nội dung, một yêu cầu không thể trì hoãn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nguồn:
Trần Chiến/TTXVN