Tại sao cần thả động vật hoang dã về môi trường sống ban đầu?

Việc thả các loài động vật về nơi hoang dã có thể giúp hành tinh của chúng ta ứng phó những tác động của biến đổi khí hậu, dù là cháy rừng hay sự tan chảy nhanh chóng của các lớp băng tuyết ở vùng cực.

Những đàn bò rừng châu Âu trên đồng cỏ xứ Auvergne hay những con tuần lộc trong các khu rừng bao quanh Địa Trung Hải, có vẻ như chuyện chỉ có trong trí tưởng tượng phong phú của một tác giả truyện khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, việc thả những động vật có vú lớn về các không gian tự nhiên để bảo vệ môi trường, thậm chí là ngăn chặn sự nóng lên của toàn cầu, không phải là điều vô lý.

Tạp chí “Philosophical transactions of the Royal Society B – Biological Sciences” dành hẳn một số để đăng tải công trình nghiên cứu về việc có nên hay không thả các loài động vật hoang dã về môi trường sống ban đầu của chúng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có các loài động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái trên hành tinh này. Để khôi phục chức năng của các loài động vật hoang dã bị biến mất trong chuỗi tuần hoàn sinh thái, một phương án phục hồi sinh thái được triển khai với tên gọi “tái hoang dã”.

Thí dụ điển hình như tại một số hòn đảo, loài rùa khổng lồ đang được thả ra ngoài thiên nhiên để thay thế các loài động vật đã tuyệt chủng và chúng sẽ có nhiệm vụ điều chỉnh lại sự cân bằng sinh thái của địa phương.

(Ảnh: Larousse)

Hà mã ở châu Âu

Biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự gia tăng của các đám cháy rừng, và đó mới chỉ là khởi đầu. Hạn hán, những cái nóng oi bức cùng với gió thổi nhẹ cũng có thể là nguyên nhân gây ra một đám cháy rừng với quy mô không thể xử lý kịp. Vậy, các loài động vật giúp được gì cho chúng ta?

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Tasmania (Australia), việc thả các loài động vật có vú lớn về môi trường chúng đã từng sống chắc chắn có thể làm giảm thiểu số lượng và tác động của các cuộc cháy rừng. Tiếp nối các tài liệu nghiên cứu về môi trường trong suốt 43 nghìn năm trước, các nhà khoa học đã thấy sự leo thang của các vụ cháy rừng cùng những biến đổi đáng kể của thảm thực vật sau sự biến mất của các loài động vật ăn cỏ.

Không nói đâu xa, các nhà nghiên cứu cho biết, khu vực Nam Phi diễn ra ngày càng nhiều các trận hỏa hoạn sau khi những con tê giác, ngựa vằn, trâu và linh dương bị săn bắn hoặc di chuyển khỏi nơi chúng sinh sống. Cụ thể hơn, một đám cháy trước đây gây ra thiệt hại to lớn trong phạm vi khoảng 10 ha, nay đã tăng lên 500 ha, vì tê giác trắng đã không còn sinh sống ở đó nữa. Đó là lý do vì sao việc thả các loài động vật hoang dã vốn có chức năng vô cùng quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái và đa dạng sinh học là một điều cần thiết, đặc biệt là trả chúng về những môi trường sống ban đầu.

Cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ sớm được chứng kiến một phong trào mạnh mẽ về việc thả các loài động vật ăn cỏ như voi và hà mã về các không gian thiên nhiên tại châu Âu.

Những chú bò bison: vị cứu tinh của Bắc Cực

Các đám cháy rừng sẽ thải vào khí quyển một lượng lớn khí mêtan độc hại – một trong những thành phần gây nên hiệu ứng nhà kính của Trái đất với tác động cao gấp 30 lần so với khí carbonic – khiến nhiệt độ trung bình của hành tinh tăng lên trông thấy, thậm chí còn gây ra nhiều loại virus nguy hiểm mới. Dĩ nhiên, các lớp băng tuyết tại các vùng cực sẽ chẳng thể chống chọi lại được với sự leo thang của cái nóng này. Các loài động vật ăn cỏ với thể chất lớn hoàn toàn có thể góp phần làm giảm các đám cháy rừng, vốn được coi là mối hiểm họa của vùng Bắc Cực.

Các loài động vật có thể làm gì? Theo một nghiên cứu các nhà nghiên cứu Mỹ hợp tác cùng các chuyên gia Thụy Điển, sự tuyệt chủng của các loài động vật sinh sống ở Bắc Cực là do sự khai thác và săn bắn quá mức của con người, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nóng lên của vùng đất này. Thực tế cho thấy, sự gia tăng nhiệt độ làm thay đổi hệ sinh thái nơi đây. Thảm thực vật, với vai trò cách nhiệt và giữ cho đất luôn ấm, sẽ là một điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự tan chảy của các lớp băng tuyết tại vùng cực. Động vật ăn cỏ làm chậm phản ứng của hệ sinh thái đối với biến đổi khí hậu. Một hệ thống các loài động vật ăn cỏ đa dạng sẽ có tiềm năng để làm nhiều hơn thế. Do đó, các nhà nghiên cứu hoàn toàn ủng hộ việc thả lại động vật ăn cỏ như nai sừng tấm, bò xạ hương, bò rừng bison,… về vùng Bắc Cực. Con người cũng cần phải có động thái tuyên truyền tích cực hơn về việc săn bắt và săn bắn, để các quần thể động vật hoang dã có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn tỏ ra e dè về tính hiệu quả của phương án này khi coi những biện pháp ấy chỉ như “giọt nước giữa đại dương” trong công cuộc phòng chống và ứng phó sự nóng lên của toàn cầu.

Một ví dụ điển hình về thả các loài động vật ăn cỏ lớn về thiên nhiên là công viên Pleistocene ở Nga. Khu bảo tồn thiên nhiên này, được thành lập cách đây 20 năm bởi các nhà khoa học trên một diện tích 14.000 ha với mong muốn tái tạo một hệ sinh thái tương tự như thời kỷ băng hà – thời kỳ hoàng kim của những chú voi ma mút. Tất nhiên, các nhà khoa học chỉ thả vào thiên nhiên các đàn nai sừng xám, nai sừng tấm, tuần lộc, ngựa và bò rừng.

Nai sừng tấm làm được gì?

Nai sừng tấm rất thích nước. Có thể nhìn thấy ở Bắc Mỹ hay Bắc Âu, loài vật này thường xuyên nhúng chân mình trong nước. Chúng thích bơi và “nhấm nháp” những cây thủy sinh. Khi làm như vậy, chúng sẽ làm xáo trộn lớp nước ở tầng đáy, thúc đẩy sự tuần hoàn trao đổi chất của sinh vật thủy sinh. Trong ba phần tư giờ, nai sừng tấm có thể khuấy động cả một vùng diện tích lên tới 100 m2, kích thích lưu lượng chất đạm nhiều hơn gấp ba lần. Thậm chí, lượng chất thải mà đàn nai sừng tấm để lại tại những nơi chúng ghé qua sẽ là một nguồn dinh dưỡng dồi dào và màu mỡ cho vùng đất nơi đó. Thú vị hơn nữa, bằng việc ăn các cây thủy sinh, nai sừng tấm còn góp phần đưa các hợp chất nitơ này từ dưới nước lên mặt đất, mở ra một chu trình phát triển mới cho thảm thực vật của nơi đây.

Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu khiến các loài động vật ăn cỏ này bỏ trốn dần về phía nam, chạy khỏi vùng đất sinh sống của mình. Đó là một điều vô cùng đáng lo ngại đối với các nguồn nước ở vùng băng giá – nơi mà sự sinh tồn của chúng ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào.

Những vị “cứu tinh” trong tự nhiên

Thúc đẩy “tái hoang dã” có thể mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho môi trường và cảnh quan. Tại châu Âu, động vật có vú lớn không còn chỉ là các đàn thú nữa, chúng dường như là một ứng cử viên cứu tinh lý tưởng của thiên nhiên.

Vậy những loài động vật nào sẽ được thả về nơi hoang dã? Không phải là những con gấu tại dãy núi Pyrénées, cũng chẳng phải là những con sói của dãy núi Alpes, chính các đàn động vật ăn cỏ kích thước lớn mới có khả năng làm được điều này. Nhưng cũng cần phải suy tính kỹ các yếu tố liên quan như chuỗi thức ăn, các loài động vật vốn đã sinh sống tại nơi đó, tác động của việc thả các loài động vật ăn cỏ về môi trường sống ban đầu, các điều kiện tự nhiên liên quan đến biển đổi khí hậu có thể xảy ra trong tương lai, cũng như là những tác động tiêu cực của con người tới thiên nhiên trong quá trình sản xuất và cuộc sống thường ngày.