Bất công khí hậu: Quốc gia phát thải ít nhất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

ThienNhien.Net – Một nghịch lý trớ trêu đáng buồn của nhân loại là các quốc gia phát thải khí nhà kính ít nhất lại đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất từ các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như lũ lụt, mất đa dạng sinh học và dịch bệnh. Khẳng định được ba nhà nghiên cứu Watson, Glenn Althor và Richard Fuller thuộc Đại học Queensland (Australia) và Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) công bố trên Tạp chí Scientific Reports.

“Điều này giống như một người không hút thuốc nhưng lại bị ung thư do hít phải khói thuốc từ những người nghiện thuốc lá” – Ông James Watson, Giáo sư Địa lý, Quy hoạch và Quản lý môi trường Đại học Queensland, thành viên nhóm nghiên cứu bình luận.

Các nhà nghiên cứu tính toán sự bất bình đẳng về tác động của biến đổi khí hậu dựa trên các bộ dữ liệu về phát thải khí nhà kính mới nhất và bản đánh giá tính dễ tổn thương khí hậu của 184 quốc gia các năm 2010 và năm 2030. Các số liệu về tính dễ bị tổn thương gồm 22 chỉ số thuộc bốn lĩnh vực: thảm họa môi trường, thay đổi môi trường sống, tác động sức khỏe và áp lực công nghiệp. Tính dễ bị tổn thương tổng thể của một quốc gia được tính bằng tác động của biến đổi khí hậu lên GDP và tỷ lệ tử vong.

Ảnh minh họa: conservationmagazine.org
Ảnh minh họa: conservationmagazine.org

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong 10 nước phát thải nhiều nhất thế giới đã chiếm tới tới 60% lượng khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, 20 quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất bao gồm Mỹ, Canada, Úc, Trung Quốc, Brazil, Nga và nhiều nước Tây Âu lại bị ảnh hưởng ít nhất.

Trong khi đó, gần như tất cả 17 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu trong năm 2010 là những quốc đảo nhỏ hoặc các nước châu Phi. Theo dự đoán của nhóm nghiên cứu, đến năm 2030 số các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ tăng lên con số 62 và phần lớn trong số này (47 quốc gia) sẽ vẫn là các quốc đảo và các nước châu Phi. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất cũng là các quốc gia có GDP và tăng trưởng kinh tế thấp nhất và do đó có ít nguồn lực để ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

*Bản sửa đổi, bổ sung Doha vào Nghị định thư Kyoto được thông qua tại COP18 (diễn ra tại Thủ đô Doha của Qatar) liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm đưa ra và thực hiện các mức cam kết mới về cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của các nước phát triển trong thời kỳ cam kết lần thứ hai của Nghị định thư Kyoto (2013-2020).

Mục đích chính của việc phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Doha vào Nghị định thư Kyoto là thiết lập cơ sở pháp lý toàn cầu về kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới 2°c vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.

Bản sửa đổi, bổ sung này có thể có hiệu lực thi hành trước tháng 12 năm 2015.

Các nhà nghiên cứu cho hay việc tham gia, thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của các nước phát thải nhiều còn chậm. Ví dụ như Mỹ và Nga đã không nằm trong danh sách 50 quốc gia đã phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Doha vào Nghị định thư Kyoto*; Canada và Úc đã chính thức rút lui khỏi cam kết giảm phát thải này.

Theo nhóm nghiên cứu, thỏa thuận tại COP21 Paris mới đây là bước tiến quan trọng trong các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu, điều cần thiết bây giờ là thực hiện hiệu quả các cam kết cắt giảm khí thải cấp quốc gia và đảm bảo các nước dễ bị tổn thương có thể nhanh chóng thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Về cơ bản, chúng tôi kêu gọi những người hút thuốc phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe của người không hút thuốc đang bị họ gây hại trực tiếp.” – Ông Watson nói.