Thực hiện Hiệp định Paris: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

ThienNhien.Net – Đây là vấn đề được thảo luận khá sôi nổi tại Hội thảo “Sau Hội nghị COP 21: Hiệp định Paris và các tác động tới Việt Nam” do Cục Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp với Nhóm công tác về biến đổi khí hậu của các tổ chức phi chính phủ (CCWG) tổ chức sáng 21/01.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: CCWG)
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: CCWG)

Theo ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu kiêm Phó Ban công tác đàm phán khí hậu của Chính phủ, Hiệp định Paris được xem là cơ hội lớn cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như Việt Nam có thêm nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế để giải quyết tận gốc vấn đề biến đổi khí hậu, thay đổi mô hình phát triển, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng các bon thấp, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận công nghệ sạch, tiên tiến… Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam cũng phải đối mặt với một số vấn đề như thể chế, chính sách cần mang tính cam kết, ràng buộc cao hơn; phân bổ nguồn lực hợp lý giữa mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và các mục tiêu khác; chi phí áp dụng công nghệ ít phát thải các-bon khá lớn.

Nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Paris, ông Tấn nhấn mạnh Việt Nam cần hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm phê duyệt Hiệp định dự kiến vào tháng 4 năm nay. Ngoài ra, cần xây dựng đề án triển khai Hiệp định (dự kiến xong trước tháng 10/2016) và triển khai các nội dung đề ra trong Báo cáo Dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC); tăng cường quản lý nhà nước trong các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, trao đổi mua bán tín chỉ giảm phát thải; xây dựng lộ trình chuyển đổi phát triển kinh tế – xã hội theo hướng các-bon thấp; xây dựng kế hoạch thích ứng quốc gia…

Đánh giá về Báo cáo INDC, ông Koos Neefjes – Chuyên gia về Biến đổi khí hậu của UNDP cho hay hiện có sự khác biệt giữa mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong báo cáo INDC (2oC) và mục tiêu mới đã được thống nhất tại Paris (dưới 2oC và hướng tới 1,5oC). Theo đó, Việt Nam cũng như các nước khác phải đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 – 2035 và giảm phát thải xuống mức 0 vào năm 2055 – 2060. Bên cạnh đó, ông Koos Neefjes cũng khẳng định Việt Nam sẽ nhận được tài chính cho công cuộc giảm thiểu và thích ứng nhưng phải từng bước tìm kiếm và huy động nguồn lực nội tại.

Nhấn mạnh vai trò và sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong quá trình thực hiện Hiệp định Paris, bà Vũ Minh Hải – Chủ tịch CCWG khẳng định đây là cơ hội tốt để thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa chính phủ và các tổ chức phi chính phủ theo các ngành, chủ đề và quy mô với trọng tâm là nhu cầu, nguyện vọng và năng lực của những người dễ bị tổn thương nhất như: phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo và không có đất, người già, trẻ em và cộng đồng địa phương.

Mục đích của Hội thảo sáng 21/1 nhằm chia sẻ thông tin về kết quả Hội nghị COP 21 diễn ra tại Paris từ ngày 29/11 – 11/12/2015 cùng những nội dung chính của Hiệp định Paris và các tác động tới Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo cũng thảo luận về các bước tiếp theo  mà Việt Nam cần làm và vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong quá trình này.

Hiệp định Paris được 195 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu thông qua ngày 12/12/2016 tại Paris. Dự kiến Hiệp định sẽ có hiệu lực từ năm 2020 một khi trên 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê duyệt.