Người dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La làm giàu trên quê mới

ThienNhien.Net – Chính quyền bản Bỉa đã hướng dẫn bà con phát triển nghề nuôi cá lồng, vịt trời… và có hàng chục hộ gia đình thoát nghèo từ mô hình này.

Phục vụ dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La có trên 12.500 hộ dân phải di chuyển do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện. Sau gần 10 năm thực hiện dự án, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các địa phương, đời sống của đồng bào tái định cư đã cơ bản ổn định; nhiều hộ đã, đang bắt đầu làm giàu từ nghề mới trên quê mới.

Nuôi cá “nhàn và kinh tế hơn làm ruộng”

Lòng hồ thủy điện Sơn La những ngày cuối năm, nước xanh thăm thẳm, mênh mông. Trong ráng chiều, chen giữa những chiếc lồng cá xinh xắn, là những chiếc thuyền hối hả xuôi ngược, tạo nên sóng gợn đẹp đến nao lòng.

Anh Là Văn Nghen là hộ dân thuộc bản Bỉa, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai. Năm 2005, gia đình anh được di vén lên cao do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La. Từng gắn bó với việc làm nương, ruộng, nay ba bề bốn bên là nước, đất sản xuất chỉ rất ít, ban đầu, anh và gia đình không khỏi bỡ ngỡ và lo lắng cho cuộc sống gia đình.

Nhiều hộ đồng bào tái định cư làm giàu từ nuôi cá trên lòng hồ
Nhiều hộ đồng bào tái định cư làm giàu từ nuôi cá trên lòng hồ

Được sự định hướng, giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, phát huy lợi thế mặt hồ, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trên 30 triệu đồng làm 2 lồng cá; mua các loại giống cá trắm, chép, rô phi về nuôi. Qua hơn 4 năm triển khai, hiện nhà anh đã có 5 chiếc lồng cá, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 10 tấn cá các loại. Với giá bán bình quân 70 đến 80.000 đ/kg, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình thu lợi 30 đến 50 triệu đồng.

Anh Là Văn Nghen cho biết: “Trước làm nương, làm ruộng rất vất vả. Bây giờ không có ruộng nương, nuôi cá lồng chúng tôi thấy nhàn hơn trước. Sáng sớm đi lấy lá sắn và một số loại lá khác cho ăn, thấy nhàn và thoải mái hơn so với trước đây”.

Tương tự là gia đình ông Tòng Văn Hóa, cùng ở bản Bỉa. Đã quá quen với việc chăn nuôi lợn, gà và làm nương rẫy từ nhiều năm, nên khi chuyển từ bản Kềm về sinh sống gần mặt hồ, ông và các thành viên trong gia đình chưa thể quen ngay với môi trường sống mới.

Tuy nhiên, với suy nghĩ phải làm mới có ăn, theo sự định hướng, giúp đỡ của chính quyền huyện, xã, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên mặt nước. Từ 2 lồng bằng tre, gỗ, với vài kg cá giống ban đầu, sau gần 5 năm triển khai, ông đã mở rộng quy mô lên 8 lồng cá; tất cả đều là lồng sắt.

Ông cho biết, mỗi năm, gia đình ông tiêu thụ từ 15 đến 20 tấn cá, gồm trắm cỏ, nheo, rô, chép… cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đầu năm nay, được tài trợ về giống, ông cùng 1 gia đình khác ở bản tiếp tục nhận nuôi thí điểm 100 con vịt trời. Đến nay, đàn vịt đã đẻ hơn 200 trứng. Ông dự định sẽ cho ấp để tiếp tục cung cấp giống cho các hộ khác ở bản, ở xã.

Sẽ phát triển hơn 1.000 lồng cá

Bản Bỉa hiện có 58 hộ, bao gồm các hộ sở tại di vén lên cao và các hộ di chuyển từ bản Kềm về. Trước đây, bà con cũng chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nương, ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi nước dâng cao, phần lớn diện tích đất sản xuất bị ngập, do vậy, việc chuyển đổi mô hình sản xuất là tất yếu.

Xác định mặt hồ rộng lớn là tiềm năng để nuôi trồng thủy sản, theo định hướng của huyện, xã, chính quyền bản Bỉa đã hướng dẫn bà con phát triển nghề nuôi cá lồng, vịt trời… Đến nay, bản đã có hàng chục hộ gia đình theo nghề này.

Gia đình ông bà Tòng Văn Hoá mở rộng mô hình nuôi vịt trời
Gia đình ông bà Tòng Văn Hoá mở rộng mô hình nuôi vịt trời

Ông Lò Văn Hốm, Trưởng bản Bỉa cho biết, so với chăn nuôi, trồng lúa trước đây, thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng một người một tháng, thì nuôi cá lồng nhàn hơn, lại cho thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng một người một tháng. Cuộc sống của bà con gây giờ so với nơi ở cũ khá hơn rất nhiều do có đường, có điện đi lại, buôn bán thuận lợi hơn; bà con phát triển cá lồng, nuôi vịt… Việc nhân rộng mô hình này rất tốt, cho thu nhập ổn định.

Không chỉ tại bản Bỉa, việc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện cũng chính là định hướng của huyện Quỳnh Nhai đối với các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La, nhằm phát huy lợi thế trên 10.500 ha mặt nước lòng hồ hiện có. Đến nay, huyện đã có 7 hợp tác xã thủy sản, với trên 200 lồng cá, tập trung ở các xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn, sản lượng ước đạt 270 tấn/năm.

Ông Nguyễn Hoài Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Những năm qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tranh thủ khai thác mặt nước vùng lòng hồ thủy điện cho hoạt động khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập cho người dân. Với lợi thế này, trong năm tới, đánh bắt nuôi trồng thủy sản sẽ được coi là một ngành cơ bản trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện. Đây cũng chính là cơ hội để huyện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng để giải bài toán áp lực đất sản xuất của huyện từ khi lòng hồ thủy điện hình thành”.

Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, như Công ty cá Tầm Việt Nam nuôi hơn 1.000 lồng cá, với hình thức doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Huyện cũng sẽ tiếp tục vận động các hộ thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển, mục tiêu cao nhất là giúp đồng bào tái định cư có thể làm giàu từ nghề mới trên quê hương mới.