Tăng cường năng lực sinh kế, giúp bảo vệ rừng bền vững

ThienNhien.Net – Dự án quản lý và sử dụng đất do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) triển khai tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đang tạo ra sinh kế hàng ngày cho người dân giữ rừng.

Mô hình nuôi giun quế để phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy sản do Dự án Quản lý và sử dụng đất có sự tham gia hỗ trợ, xây dựng
Mô hình nuôi giun quế để phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy sản do Dự án Quản lý và sử dụng đất có sự tham gia hỗ trợ, xây dựng

Mô hình bền vững

Trên 35.000 ha rừng phòng hộ của huyện Phú Lương tập trung ở 6 xã Ôn Lương, Phú Đô, Yên Ninh, Phủ Lý, Yên Lạc và Hợp Thành. Triển khai dự án, có hơn 700 hộ dân của 3 xã tham gia đều là các hộ nghèo, có diện tích rừng phòng hộ lớn, đặc biệt ưu tiên phụ nữ, hộ dễ bị tổn thương, hộ dân tộc thiểu số, hộ đang được giao quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ và sẵn sàng áp dụng các kiến thức vào sản xuất cũng như bảo vệ rừng.

Dự án đã thành lập các tổ quản lý bảo vệ rừng, tổ sinh kế và quỹ tín dụng thôn bản. Ông Nguyễn Xuân Biên là tổ trưởng tổ sinh kế, tín dụng thôn bản xóm Ó, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương cho biết, quỹ tín dụng xóm Ó được thành lập với 17 thành viên. Theo quy định, các thành viên tham gia góp vốn. Qua đó, ưu tiên các hộ có nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế được vay vốn với lãi suất nội bộ, ưu đãi.

Việc phát triển kinh tế nếu theo mô hình bền vững đã được tập huấn thì được cho vay trước. Từ nguồn vay nói trên, tại huyện Phú Lương đã có trên 300 hộ nuôi giun quế để phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy sản. Cái hay của mô hình là giúp người dân có thể tận dụng được những phế phẩm, phụ phẩm từ sản xuất, sinh hoạt hàng ngày như phân trâu, bò, lợn; rơm rạ, gốc rễ các loại rau… làm “môi trường” sống nuôi giun. Và giun sẽ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp người dân giảm được chi phí chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Bên cạnh được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi giun quế, tham gia mô hình, người dân còn được hỗ trợ 50% giá giống. Từ nguồn giun thành phẩm phối hợp với rau củ quả và cám gạo, ông Biên đã chăn nuôi hơn 500 con gà đồi.

Bà Hầu Thị Cường (xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc) cho biết giun quế là loài động vật dễ nuôi, lúc đầu bà chỉ mua 2kg sinh khối giun (gồm giun giống và đất nuôi) nhưng đến nay đã nhân giống được trên 1 tạ sinh khối giun. Chính vì có nguồn thức ăn này nên gia đình đã đầu tư nuôi gần 200 con gà thịt. Điều đáng nói là những sản phẩm nông nghiệp sạch do dự án hướng dẫn người nông dân làm ra đã được bao tiêu, đặt hàng với số lượng lớn, không đủ sản phẩm đáp ứng.

Bà Hoàng Thị Ngọc (xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc) cho biết, mô hình đã giúp họ tự tin tìm lại nỗ lực lao động. Sinh kế được khai mở đã giảm áp lực đối với rừng. Người dân mong muốn dự án sẽ tiếp tục triển khai chương trình trồng cây bản địa để tái sinh rừng, phát triển cây dược liệu, cây sinh kế dưới tán rừng nhằm ổn định đời sống cư dân.

Theo ông Biên thì thịt gà thành phẩm tại địa phương chỉ từ 100 – 120 ngàn đồng/kg. Trong khi giá thịt gà nuôi từ giun quế được bao tiêu cả năm cố định là 180 ngàn đồng/kg.

Ông Bùi Phương Thảo, điều phối viên dự án cho biết, người dân tham gia dự án học được kỹ năng tiết kiệm, đoàn kết. Mô hình không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, tiềm lực kinh tế, quy mô mà cần nhất là ý chí thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục nhân rộng

Ông Phạm Bình Công (Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) cho biết, dự án của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững đã trở thành đòn bẩy để người dân sống dựa vào rừng yên tâm với nguồn thu nhập ổn định. Trong khi các kiến thức và các kỹ năng mềm được cung cấp sẽ là phương tiện để người dân chủ động tham gia vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội địa phương gồm cả kế hoạch quản lý và bảo vệ rừng theo pháp luật.

Quỹ tín dụng thôn bản ưu tiên những hộ dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình bền vững
Quỹ tín dụng thôn bản ưu tiên những hộ dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình bền vững

Từ hiệu quả dự án, vừa qua UBND huyện Phú Lương đã cho phép các hộ dân quản lý rừng phòng hộ được phép khai thác rừng theo tỷ lệ cụ thể, phù hợp đối với từng địa bàn. Về mặt chiến lược, đây cũng là cơ sở để đảm bảo cho dự án được triển khai hiệu quả trong thời gian tiếp theo. Huyện Phú Lương cũng đã chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn người dân các địa bàn có rừng phòng hộ tham quan, học tập để nhân rộng mô hình.

Chắn chắn, trong thời gian không xa, sản phẩm nông nghiệp từ Dự án nằm trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương sẽ góp phần thay đổi tích cực tư duy, đời sống của người làm rừng Phú Lương…