Bài cuối: Cần tăng cường giám sát

Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều điểm mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Tuy nhiên, dường như việc kiểm tra, giám sát vấn đề này chưa được các cấp, ngành chức năng quan tâm, chú trọng.

Chưa giám sát chuyên đề

Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Hà Giang Đỗ Anh Tuấn cho biết, việc giám sát chuyên đề về ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản sẽ không được thực hiện vì không nằm trong kế hoạch giám sát năm 2018 của Ban.

Chỉ trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản xuất hiện tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có hàng trăm điểm mỏ được đưa vào khai thác. Nhiều huyện có tới vài chục điểm mỏ được cấp phép, trong đó phải kể đến Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê… Không ít xã như Minh Sơn (Bắc Mê), Ngọc Minh (Vị Xuyên), Tiên Kiều (Bắc Quang), có tới 8 – 9 điểm mỏ được cấp phép. Và không thể phủ nhận, hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội các địa phương, song cũng từ việc khai thác tùy tiện của doanh nghiệp đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, cụ thể là việc bồi lấp ruộng đồng, ô nhiễm sông suối và phá nát các con đường. Minh Sơn (Bắc Mê) là một ví dụ điển hình trong việc đang phải hứng chịu hậu quả do khai thác khoáng sản gây ra…

Liên quan đến giám sát ô nhiễm môi trường tại các điểm mỏ, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Hà Giang Đỗ Anh Tuấn cho biết: Ban chưa thực hiện chuyên đề giám sát về vấn đề này, mà mới chỉ thực hiện khảo sát (cách đây 5 – 7 năm), khi hoạt động khai thác khoáng sản ở Hà Giang đang rầm rộ, toàn tỉnh như một đại công trường. Kết quả đợt khảo sát tại thời điểm đó cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều thực hiện đầy đủ quy định như báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao đất, giải phóng mặt bằng… Hiện nay, hầu hết các mỏ đều đóng cửa, chỉ còn rất ít mỏ hoạt động như Antimon, mỏ sắt Sàng Thần… và vài năm trở lại đây không có ý kiến phản ánh cũng như ý kiến kiến nghị của người dân về vấn đề này. Ông Tuấn cũng cho biết, mọi thông tin về đường sá, ô nhiễm môi trường tại các mỏ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đều nắm qua báo chí, truyền hình, qua đó đã kiến nghị UBND tỉnh về vấn đề này.

Mỏ Antimon ở xã Mậu Duệ được khai thác 20 năm nay nhưng người dân chưa hiểu hết quyền được giám sát

Chưa chú trọng giám sát cộng đồng

Điều 146, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định rõ về “Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư” trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền: Yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở; tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Hà Giang và Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) Hà Nội tổ chức khảo sát tại một số mỏ khai thác quặng trên địa bàn cho thấy: Đa số người dân chưa nắm được quyền và cũng chưa thực hiện quyền được tham vấn, giám sát trong quá trình lập, đánh giá tác động môi trường và giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn mình sinh sống.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học – Kỹ thuật Hà Giang Cao Hồng Kỳ cho biết, qua khảo sát tại hai điểm mỏ Sắt Ngài Thầu Sản và mỏ Antimon Mậu Duệ cho thấy, từ khi bắt đầu được cấp phép và khai thác quặng cho đến thời điểm Đoàn khảo sát tổ chức nghiên cứu, cả hai doanh nghiệp không thực hiện nhiều nội dung trong Bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh và huyện sở tại phê duyệt về cải tạo, phục hồi cảnh quan, môi trường khu vực khai thác quặng và bãi thải… Thế nhưng, các ngành chức năng của huyện Quản Bạ và Yên Minh chưa thực hiện giám sát về việc thực hiện các nội dung của Bản cam kết bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, trên 200 hộ dân ở quanh khu vực 2 mỏ quặng này chưa nắm được quyền và thực hiện quyền được tham vấn, giám sát quá trình lập, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khái thác khoáng sản tại địa bàn; không được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến việc ảnh hưởng môi trường và biện pháp khắc phục môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp…

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có gần 30 loại khoáng sản, với hàng trăm điểm mỏ đã được khảo sát trữ lượng cũng như đang được khai thác. Dù cuộc khảo sát, nghiên cứu của Liên hiệp Hội Khoa học – Kỹ thuật Hà Giang và CDI chỉ thực hiện tại một số điểm mỏ, song qua đó có thể thấy, việc tiếp cận và giám sát việc thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản của người dân còn rất hạn chế. Trong khi, thực tiễn đã chỉ ra, không có cơ quan, tổ chức nào có thể giám sát tốt việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường bằng chính cộng đồng dân cư địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, giúp cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương phát hiện, xử lý và giải quyết kịp thời các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.