Xây thêm nhà máy nhiệt điện: Đừng đánh đổi môi trường và sức khỏe người dân

ThienNhien.Net – Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa một lần nữa lại xin đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện thứ 3 (bên cạnh nhà máy số 1 và 2 đang hoạt động), đưa tổng số nhà máy nhiệt điện hiện diện tại TP.Cẩm Phả lên con số 5, bất chấp những cảnh báo về môi trường và những phản đối, kiến nghị của cử tri tại cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Ninh và TP.Cẩm Phả.

Người dân lo ngại về những hậu quả khôn lường khi mà đang có những ý kiến “lung lay” bởi lợi ích kinh tế trước mắt khi xây thêm nhà máy nhiệt điện tại thành phố nhỏ bé trực thuộc tỉnh có kỳ quan thiên nhiên thế giới – vịnh Hạ Long.Nhiệt điện bao vây thành phố

Hiện TP. Cẩm Phả đã có tới 4 nhà máy nhiệt điện. Trong đó, tại phường Mông Dương có 2 nhà máy gồm Mông Dương 1 của Tập đoàn Điện lực VN với 2 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.080MW và Mông Dương 2 của các nhà đầu tư nước ngoài, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.240MW. Riêng tại phường Cẩm Thịnh – nằm trong nội đô thành phố và bên bờ vịnh Bái Tử Long – cũng có 2 nhà máy nằm liền kề nhau của Tập đoàn Than – Khoáng sản VN (TKV), với tổng công suất khoảng 680MW. Hai nhà máy này, do tổng thầu Trung Quốc thi công, đều sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, dùng than bùn và than cám chất lượng thấp, khi đốt sinh nhiều khói.

Có là những người dân Cẩm Phả mới thấu hiểu được sự khác biệt một trời, một vực giữa thực tế với những quảng bá “công nghệ cao, thân thiện với môi trường” về các nhà máy. Mông Dương luôn chìm trong bụi bặm, mờ mịt như sương mù bởi khói từ các nhà máy nhiệt điện. Hàng ngàn hộ dân ở phường Cẩm Thịnh từ nhiều năm nay cũng sống trong cảnh tương tự. Nhà cửa, cây cối, ruộng vườn của người dân luôn bị phủ một lớp dầy bụi than, xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện và khai trường than.

Một trong số 4 nhà máy nhiệt điện tại Cẩm Phả đang hoạt động (Ảnh: T.L)
Một trong số 4 nhà máy nhiệt điện tại Cẩm Phả đang hoạt động (Ảnh: T.L)

Kinh hoàng nhất là mỗi trận gió nam từ biển thổi vào đem theo bụi độc từ những bãi xỉ thải của hai nhà máy nhiệt điện chưa kịp di tản tấn công các phường Cẩm Thịnh, Cửa Ông, Cẩm Sơn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả ở ngay phía sau 2 nhà máy. Mỗi năm, lượng xỉ thải của hai nhà máy này thải ra môi trường rất lớn.

Theo ông Nguyễn Trọng Minh – Chủ tịch HĐND TP. Cẩm Phả, khu vực đổ thải ở Cẩm Phả hiện đã quá tải, buộc TKV phải chuyển đổ thải một phần sang huyện đảo Vân Đồn. “Chúng tôi luôn sống trong tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng bởi tứ bề là các khai trường than, rồi các nhà máy nhiệt điện, rồi nhà máy xi măng. Cuộc gặp gỡ cử tri nào dân cũng kiến nghị về vấn đề này, cùng đơn thư gửi các cấp liên quan, nhưng không thay đổi được gì” – ông Trần Văn Cường, phường Cẩm Thịnh bức xúc.

Không nằm trong quy hoạch

Tưởng rằng, những hiểm họa môi trường như trên đã là quá sức chịu dựng với người dân thì nay TKV lại tiếp tục xin đầu tư xây dựng nhà máy thứ 3, với công suất dự kiến trên 400MW ngay giữa lòng thành phố. Vị trí xây dựng nhà máy số 3 của TKV tại P.Cẩm Thịnh từng nằm trong quy hoạch, nhưng gần đây đã không được Quảng Ninh chấp thuận bởi mật độ nhiệt điện quá dầy.

Hơn nữa, theo quy hoạch phát triển KTXH của Cẩm Phả do các tổ chức quy hoạch hàng đầu thế giới thực hiện, không hề có bất cứ nhiệt điện nào được phép xây dựng trong nội đô thành phố. Đặc biệt, theo kế hoạch, từ năm 2025 – 2030, hai nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 phải di dời đến địa điểm khác.

Theo ông Vũ Văn Hợp – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh – tỉnh vẫn đang đề nghị TKV tìm địa điểm khác, thay cho vị trí phường Cẩm Thịnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Minh – Chủ tịch HĐND TP.Cẩm Phả – thành phố đã dẫn các đơn vị liên quan của TKV đi khảo sát rất nhiều địa điểm xa trung tâm thành phố, nhưng bằng mọi lý lẽ, TKV vẫn khăng khăng xin xây nhà máy ở Cẩm Thịnh. Và, lý lẽ cuối cùng mà ai cũng hiểu là: Vị trí Cẩm Thịnh gần quốc lộ 18, gần biển nên tiết kiệm rất nhiều chi phí cho chủ đầu tư.

“Thành phố ủng hộ TKV xây dựng nhà máy mới ở những khu vực xa trung tâm, nhưng nhất quyết không phải ở Cẩm Thịnh. Không thể vì lợi ích kinh tế ban đầu, mà đánh đổi hậu quả môi trường rất lớn sau này” – ông Minh khẳng định. Một chuyên gia y tế cho rằng, dù chưa có bất cứ nghiên cứu nào về hiểm họa của nhiệt điện đối với sức khỏe người dân Cẩm Phả, nhưng qua thực tiễn công tác cho thấy, tỉ lệ người dân thành phố mắc bệnh phổi khá lớn. Trong khi đó, theo một công bố tại một hội thảo mới đây do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh tổ chức, mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.300 người chết yểu vì nhiệt điện than.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 7 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất là 4.150MW, chiếm 16% tổng sản lượng điện cả nước. Lượng điện sản xuất 5 năm đạt 63,1 tỉ KWh, bình quân tăng 30,1%. Trong số này, chỉ có 2 khu vực nằm xa khu dân cư, là Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê ở xã Bình Khê, huyện Đông Triều và Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, 2 ở phường Mông Dương. Theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ có thêm khoảng 4 – 5 nhà máy nhiệt điện nữa, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Thăng Long, công suất 600MW, được khởi công xây dựng tháng 10.2014, tại huyện Hoành Bồ.

Theo kết quả nghiên cứu “các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” ở khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam của Trường Đại học Harvard, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm, trong đó phần lớn chủ yếu liên quan các vấn đề sức khỏe. Cũng theo nhóm nguyên cứu của Harvard, nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, con số người chết mỗi năm có thể tăng lên đến 25.000 người.