Hạ Viện Mỹ thông qua Đạo luật chống săn bắt động vật hoang dã toàn cầu

ThienNhien.Net – Ngày 2/11 vừa qua, Hạ Viện Mỹ đã thông qua Đạo luật chống săn bắt động vật hoang dã toàn cầu, nhằm “hỗ trợ những nỗ lực chống lại nạn săn bắt động vật trên khắp thế giới, tăng cường khả năng ứng phó với tình trạng buôn bán động vật hoang dã của các quốc gia đối tác, và xác định các điểm nóng buôn bán động vật hoang dã.” Đạo luật đặt tội phạm động vật hoang dã ngang bằng với buôn lậu vũ khí và ma túy này nhận được sự ủng hộ của 43 đảng viên Cộng hòa và 64 đảng viên Dân chủ.

Một chú voi con ở Nam Phi (Ảnh: Rhett Butler)
Một chú voi con ở Nam Phi (Ảnh: Rhett Butler)

“Đạo luật là một bước tiến vượt bậc của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống lại tội phạm động vật hoang dã và tái khẳng định vị trí lãnh đạo của Quốc hội Mỹ trong vấn đề này,” bà Ginette Hemley, Phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Bảo tồn Hoang dã tại WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên) nhấn mạnh trong một tuyên bố. Theo bà, tội phạm buôn bán động vật hoang dã xưa nay đều thu được lợi nhuận khổng lồ với rủi ro thấp. Bằng việc chính thức tuyên bố buôn bán động vật hoang dã là một loại tội phạm nguy hiểm, mức độ rủi ro cuối cùng cũng sẽ lớn hơn lợi nhuận hứa hẹn. Điều này thực sự là một thay đổi lớn đối với hoạt động bảo tồn các loài voi, tê giác và vô số các động vậy quý hiếm trên khắp thế giới bị săn bắn, giết hại và mua bán.

Đạo luật nhấn mạnh, các tổ chức, băng nhóm tội phạm buôn bán vũ khí và ma túy cũng có dính líu đến nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Chính vì vậy, đạo luật đã đặt hành vi vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép trong cùng loại hình tội phạm buôn bán vũ khí và ma túy, khiến loại tội phạm này cũngphải chịu trách nhiệm pháp lý cho hoạt động rửa tiền và gian lận.

Để hỗ trợ cho những nỗ lực chống săn bắt động vật hoang dã toàn cầu, đạo luật hướng tới những quốc gia được cho là “điểm khai thác chính, trung chuyển hoặc tiêu thụ các chế phẩm từ động vật hoang dã”. Đạo luật cũng kêu gọi những chỉ định đặc biệt dành cho các quốc gia thất bại trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế về các loài động vật cực kì nguy cấp hoặc bị đe dọa.

Đạo luật công nhận, tại phần lớn các khu bảo tồn, số lượng những kẻ săn trộm thường áp đảo số lượng nhân viên kiểm lâm, và nhấn mạnh chính phủ Mỹ “cần hỗ trợ an ninh cho các lực lượng an  ninh phù hợp tại châu Phi để ngăn chặn nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.”

Đạo luật ủng hộ việc “chuyên nghiệp hóa” lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã tại các quốc gia đối tác trong cuộc chiến chống lại tội phạm săn trộm, những kẻ luôn được trang bị ống nhòm hồng ngoại, vũ khí hạng nặng và thậm chí là cả máy bay trực thăng.”

Hơn thế nữa, đạo luật cũng hỗ trợ mở rộng và tăng cường Mạng lưới Thực thi Pháp luật Bảo vệ Động vật Hoang dã (WENs), mạng lưới được chỉ đạo bởi các chính phủ, là một cơ chế theo khu vực giúp các quốc gia tăng cường điều phối và thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo”.

“Việc ban hành đạo luật quan trọng này sẽ khiến chính phủ các nước hành động bằng cách “định danh, định tội” những kẻ phạm tội, đồng thời tăng thêm tội trạng cho những kẻ đang tham gia vào hoạt động buôn bán phi pháp,” Edward Randall Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, tác giả của Đạo luật Chống săn bắt động vật hoang dã toàn cầu tuyên bố.