Việt Nam có gần 790 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa hơn 35%

ThienNhien.Net – Tuần lễ “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2015” đã chính thức khai mạc sáng 4/11 tại Hà Nội với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, hiệp hội chuyên ngành liên quan cùng đại diện nhiều chính quyền đô thị. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Ngày đô thị Việt Nam (8/11).

Tính đến tháng 10, Việt Nam đã có 788 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,2%. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị từ 10-15% (cao gấp gần 2 lần so cả nước).

Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của đô thị ước đạt 70-75% trong cơ cấu GDP cả nước; trong đó, tỷ trọng đóng góp của 5 đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương đã chiếm trên 50% tổng GDP cả nước.

Cây dầu được trồng tại công trình đô thị, tạo nên 'lá phổi xanh' cho thành phố mới Bình Dương (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Cây dầu được trồng tại công trình đô thị, tạo nên ‘lá phổi xanh’ cho thành phố mới Bình Dương (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, thực hiện tăng trưởng xanh cần cân bằng hai mục tiêu về kinh tế và môi trường để tiệm cận đến phát triển bền vững mà trong đó ba yếu tố kinh tế-môi trường-xã hội cần có sự hài hòa.

Do đó, quan điểm tăng trưởng xanh không chỉ dừng ở việc phục hồi những tác động bất lợi đối với môi trường, mà hơn thế nữa phải là sự đổi mới, áp dụng tư duy hệ thống trong phát triển và tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu này, việc điều chỉnh trong mô hình tăng trưởng của đô thị cũng như xây dựng các định hướng chiến lược, lộ trình thực hiện và giải pháp cụ thể, phù hợp với vai trò vị trí, đặc điểm đặc thù của mỗi đô thị là hết sức cần thiết.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, ngành xây dựng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên nhiều lĩnh vực.

Ngay sau khi Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia được ban hành (năm 2013), Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam phát động chủ đề “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh” và triển khai liên tục trên toàn quốc.

Cùng với việc phát triển mở rộng hệ thống đô thị, việc quản lý và nâng cao chất lượng đô thị cũng đã được các cấp quản lý quan tâm.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực cũng như năng lực kinh nghiệm quản lý nhưng các đô thị đã từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như tiếp cận giải quyết các thách thức có tính toàn cầu như tình hình biến động kinh tế thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững.