Quy trình vận hành liên hồ chứa: Tiến bộ nhưng vẫn hổng

ThienNhien.Net – Việt Nam sở hữu hàng nghìn con sông lớn nhỏ nhưng chỉ có 61 con sông nằm trên 11 lưu vực cần xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa[1]. Hiện đã có 6 quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ và 5 quy trình vận hành liên hồ chứa cả mùa lũ mùa cạn được ban hành, tuy nhiên, việc thực thi các quy trình này vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

ThuyDienSerepok_220915
Ảnh minh họa: Dương Văn Thọ/PanNature

Yêu cầu về xây dựng quy trình liên hồ chứa lần đầu tiên được đề cập tại Văn bản số 251/TB-CN ngày 24/12/2004 của Bộ Công nghiệp thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT “chủ trì, phối hợp với các Bộ Công nghiệp, TN&MT, Tổng Công ty điện lực Việt Nam xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa sông Đà và sông Lô, bảo đảm an toàn chống lũ Đồng bằng Bắc Bộ và an toàn công trình”. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà trong mùa lũ hàng năm gửi Bộ Công nghiệp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/2007/QĐ-TTg.

Năm 2006 và 2007, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 285/QĐ-TTg và Nghị định số 72/NĐ-CP, quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong việc thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Tuy nhiên, phải đến Nghị định số 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa mới được quy định cụ thể, trong đó Bộ TN&MT đóng vai trò chủ đạo.

Tại sao phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa?

Là bởi quy trình vận hành đơn hồ, đặc biệt là hồ chứa thủy điện tồn tại khá nhiều bất cập. Cụ thể, việc xây dựng, vận hành hồ chứa ở hầu hết các công trình thủy điện mới chỉ quan tâm đến việc điều tiết nước phát điện, xả lũ để bảo đảm an toàn công trình mà chưa quy định các nhiệm vụ vận hành phòng, chống lũ và điều tiết nước, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước, duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ du.

Bên cạnh đó, việc quy định hiệu lệnh thông báo xả lũ bằng ba hồi còi, mỗi hồi dài 30 giây… khi xảy ra các trường hợp đặc biệt cần phải xả nước khẩn cấp để bảo đảm an toàn công trình chưa phù hợp với tình hình thực tế ở nhiều hồ chứa vì phạm vi ảnh hưởng do việc xả lũ của nhiều công trình rất lớn và người dân có thể không nghe được hiệu lệnh và không thể phòng, tránh được.

Điểm hạn chế thứ ba là chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của chủ công trình trong việc xây dựng và thực hiện việc đo đạc, quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu về khí tượng, thủy văn phục vụ yêu cầu vận hành của mình mà chủ yếu chỉ dựa vào số liệu của cơ quan khí tượng, thủy văn. Vì vậy, trong trường hợp thiếu trạm đo, việc vận hành hồ chứa, nhất là vào thời kỳ lũ lớn thường bị động và có nguy cơ mất an toàn.

Việc phối hợp giữa các hồ chứa vừa và nhỏ với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn nhằm đưa ra các phương án vận hành phòng, chống lũ cho hạ du cũng chưa chặt chẽ (trừ những hồ chứa lớn, có tầm quan trọng quốc gia). Đặc biệt, quy trình vận hành đơn hồ không quy định cụ thể về thời kỳ kiệt trong năm, chế độ vận hành hồ chứa trong mùa kiệt cũng như sự phối hợp vận hành với các công trình trên cùng hệ thống hoặc bậc thang.

Định hướng xây dựng

Trước những bất cập trong quy trình vận hành đơn hồ nêu trên, yêu cầu về việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được đặt ra với một số định hướng chính, gồm: (i) phân tích, đánh giá vai trò, tác động của từng hồ chứa đối với việc phòng, chống lũ và điều tiết nước mùa kiệt để quyết định các hồ chứa có đưa vào quy trình vận hành liên hồ và danh sách các hồ chứa trên các bậc thang không đưa vào quy trình điều tiết liên hồ nhưng sẽ phải có chế độ vận hành phối hợp trên cùng bậc thang; (ii) phân tích chế độ dòng chảy và xác định các kịch bản lượng nước đến hồ trong mùa lũ và mùa kiệt trên cả hệ thống; (iii) xác định các yêu cầu về lưu lượng, mực nước để bảo đảm phòng chống lũ và nhu cầu cấp nước, bảo vệ môi trường trên từng đoạn sông; (iv) xây dựng các phương án điều hành, phối hợp giữa các hồ chứa trong từng kịch bản lượng nước đến hồ để bảo đảm các yêu cầu về lưu lượng, mực nước đã xác định; (v) xác định các yêu cầu và khả năng dự báo khí tượng, thủy văn phục vụ việc vận hành, phối hợp các hồ chứa; (vi) phân tích, đánh giá hiệu ích phát điện, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi và lựa chọn phương án vận hành, phối hợp các hồ chứa trong mùa lũ, mùa kiệt.

Ngoài sáu nội dung kể trên, cần đặc biệt tuân thủ nguyên tắc vận hành quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ cũng như mùa cạn theo hướng đặt ưu tiên số một cho việc đảm bảo an toàn công trình; thứ hai là góp phần giảm lũ cho hạ du hoặc đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du; thứ ba mới đảm bảo hiệu quả phát điện.

So doKhó khăn và khuyến nghị

So với các quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành từ năm 2010, 2011 đối với các lưu vực sông, các quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành năm 2014 và 2015 có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn hơn. Theo đó, quy trình mới đã nâng trách nhiệm của chủ hồ đối với hạ du và tăng quyền điều hành của chính quyền địa phương trong việc cắt lũ và cung cấp nước tưới cho hạ du. Mục tiêu ưu tiên cũng đã có sự đảo ngược cơ bản và đặt quyền lợi của nhân dân hạ du lên trên hết, đồng thời, các quy trình vận hành liên hồ chứa mới cũng đã tăng dung tích phòng lũ đáng kể của các hồ. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tiến bộ, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên vẫn tồn tại không ít khó khăn.

Khó khăn trước tiên thuộc về yếu tố khách quan. Trên thực tế, các hồ chứa trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên chủ yếu là hồ chứa vừa và nhỏ, sông suối lại thường ngắn và dốc trong khi xu thế mưa cục bộ ngày càng phổ biến, thời gian truyền lũ ngắn nên làm hạn chế chất lượng cũng như thời gian cảnh báo, dự báo.

Ngoài ra, hầu hết các lưu vực sông có trạm đo mưa rất thưa, đặc biệt là vùng thượng lưu các hồ chứa. Theo thống kê, hiện nay, mật độ lưới trạm đo mưa ở khu vực miền Trung vào khoảng 700km2/trạm nên chưa đáp ứng yêu cầu tính toán dự báo lũ cho phòng chống lũ ở các lưu vực sông cũng như việc vận hành các hồ chứa nước giảm lũ cho khu vực hạ du.

Sự phối hợp trao đổi thông tin về số liệu khí tượng thủy văn, thông tin về mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, dự kiến lưu lượng xả, thời gian xả giữa các đơn vị hồ chứa và đơn vị dự báo cũng chưa được chặt chẽ, kịp thời. Phương thức kết nối, truyền dữ liệu tự động từ các hồ chứa về các đơn vị dự báo, đơn vị điều hành còn hạn chế, đến nay vẫn thiên về truyền thống: fax, email, công văn với các định dạng rất khác nhau.

Thêm vào đó, trên các hệ thống sông hiện nay, ngoài các hồ chứa được quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa còn có nhiều hồ chứa khác đã và đang được xây dựng, ảnh hưởng đến dòng chảy về hạ lưu. Đơn cử như sông Vu Gia-Thu Bồn, tính đến cuối tháng 9/2015 có 7/10 dự án thủy điện thuộc bậc thang hệ thống sông đã phát điện với tổng công suất 895MW và 3 công trình hiện đang xây dựng.

Đáng chú ý, những biến đổi bất thường về khí hậu và thiên tai ở hạ du ngày càng rõ nét và tác động mạnh mẽ, trong khi nhiều dự báo không thực sự chính xác về lượng mưa kết hợp với việc thiếu trạm quan trắc mưa lũ ở thượng lưu nên rất dễ dẫn đến lệnh vận hành sai, đặc biệt trong trường hợp mưa lũ ở hạ lưu xảy ra sớm hơn ở thượng lưu hoặc hạ lưu xảy ra lũ báo động II đúng vào thời điểm các hồ phải xả nước đón lũ, sẽ dẫn đến hiện tượng lũ chồng lũ. Đó là chưa kể thời gian và kinh nghiệm dự báo vận hành liên hồ chứa ở các cơ quan làm dự báo còn hạn chế, đặc biệt, thời gian thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa ở địa phương chưa có nhiều, nhất là việc thực thi trách nhiệm của Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong hài hòa lợi ích phát điện và dân sinh khi xảy ra mưa to, gây lũ lớn.

Ngoài những mối băn khoăn kể trên, vấn đề nhân lực của Chi cục Thủy lợi – đơn vị tham mưu, giúp việc chính cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng là điều đáng ngại. Thường các cán bộ vẫn làm việc kiêm nhiệm nên khó có thể đảm nhận trách nhiệm tham mưu cho Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh một cách hiệu quả, nhất là khi cần ban hành những quyết định quan trọng, chẳng chạn, quyết định có thể ảnh hưởng đến cả triệu dân vùng hạ du như trường hợp sông Vu Gia-Thu Bồn.

Nhằm giảm bớt những khó khăn, thách thức trong công tác dự báo, vận hành liên hồ chứa, thiết nghĩ trước mắt cần khẩn trương xây dựng mạng lưới trạm quan trắc mưa, dòng chảy đầy đủ, phân bố phù hợp trên lưu vực, đảm bảo cho việc giám sát tình hình mưa cũng như cung cấp thông tin cho công tác dự báo dòng chảy về hồ, tình hình lũ tại hạ du.

Ngoài ra, cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị vận hành hồ chứa và đơn vị dự báo khí tượng thủy văn trong việc cung cấp, trao đổi thông tin.

Hiện nay, lũ hạ du các hồ thủy điện phụ thuộc rất nhiều vào quá trình dòng chảy từ các hồ đổ về. Vì vậy, các hồ chứa cần phải cung cấp chính xác, chi tiết và kịp thời về lưu lượng xả, chạy máy cho các đơn vị dự báo lũ. Khi có sự thay đổi lưu lượng xả đã dự kiến, cần phải thông tin ngay cho đơn vị dự báo lũ và các đơn vị liên quan.

Song song với đó, cần tiếp tục đầu tư bổ sung, nâng cấp hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên toàn lưu vực (lòng hồ và hạ du), đồng thời khảo sát, nghiên cứu phát triển công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa hạn ngắn, hạn vừa.


(1) Theo Quyết định số 1879/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, ban hành ngày 13/10/2010.

TS. Nguyễn Lan Châu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: