Nobel Hóa học cho “Tế bào sửa chữa ADN”

ThienNhien.Net – Giải Nobel Hóa học 2015 cùng với món tiền thưởng 966.000 USD đã thuộc về ba nhà khoa học Tomas Lindahl (người Thụy Điển), Paul Modrich (người Mỹ) và Aziz Sancar (người Thổ Nhĩ Kỳ) với nghiên cứu về cơ chế tế bào tự sửa chữa ADN sai hỏng và bảo vệ các thông tin di truyền.

Tại buổi công bố ở Stockholm (Thụy Điển) ngày 7/10, Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nêu bật rằng nghiên cứu của các nhà khoa học người Mỹ và Anh nêu trên đã “cung cấp những kiến thức cơ bản về chức năng của một tế bào sống được áp dụng trong việc phát triển các phương pháp điều trị ung thư mới”. Họ đi tiên phong trong giới nghiên cứu với việc lập được bản đồ ở mức độ phân tử về cơ chế khắc phục ADN.

Chân dung ba nhà khoa học đoạt Giải Nobel Hóa học 2015 (phía trên, từ trái sang): Tomas Lindahl (Thụy Điển), Paul Modrich (Mỹ) và Aziz Sancar (Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ) được công bố tại cuộc họp báo của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm ngày 7/10 (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Chân dung ba nhà khoa học đoạt Giải Nobel Hóa học 2015 (phía trên, từ trái sang): Tomas Lindahl (Thụy Điển), Paul Modrich (Mỹ) và Aziz Sancar (Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ) được công bố tại cuộc họp báo của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm ngày 7/10 (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Một trong ba người chiến thắng Nobel Hóa học năm nay, Giáo sư Tomas Lindahl chia sẻ: “Đó là một bất ngờ. Nhiều năm qua tôi vẫn được xem xét để trao giải nhưng còn có hàng trăm người khác. Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi được chọn”. Đặc biệt, đồng chủ nhân của giải thưởng này, ông Sancar là người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đạt Nobel. Năm 2011, ông Sancar từng khuyên những người có sở thích nhuộm da nên đi vào buổi sáng vì đây là thời điểm tế bào có thể sửa chữa ADN hiệu quả nhất trong ngày.

Hàng ngày, ADN con người bị phá hỏng do tia cực tím, chất phóng xạ tự do và hàng loạt chất gây ung thư. Tuy nhiên ngay cả khi không chịu các tác động trên, cấu trúc ADN vốn cũng không bền vững, dễ phát sinh sai sót trong quá trình phân chia tế bào – quá trình xảy ra hàng triệu lần trong cơ thể con người mỗi ngày.

“Khói thuốc lá có chứa nhiều hóa chất phản ứng nhỏ, gây kết dính ADN khiến chúng không thể phân chia theo cách đúng đắn mà thành đột biến. Sai hỏng trong ADN dẫn đến bệnh tật, trong đó có ung thư”, ông Lindahl giải thích.

Khoảng đầu những năm 1970, giới khoa học vẫn tin rằng ADN là một cấu trúc vô cùng bền vững. Tuy nhiên các nghiên cứu riêng lẻ của ba nhà khoa học trên lại chứng minh rằng ADN phải phân rã theo một tỷ lệ nào đó mới có thể khiến sự sống tồn tại trên Trái đất. Giáo sư Lindahl phát hiện ra hệ thống sửa chữa cắt bỏ, làm nhiệm vụ sửa chữa các ADN. Ông Sancar đã lập được bản đồ cơ chế sửa chữa nucleotide, cụ thể hóa việc tế bào thay đổi ADN bị hỏng do tia cực tím. Ông Modrich lại mô tả cách thức mà tế bào sửa lỗi cho ADN trong quá trình phân bào.

Từ năm 1901 tới năm 2014, 106 giải Nobel Hóa học đã được trao cho 169 cá nhân và nhóm nghiên cứu. Trong đó có đến 8 năm, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển không tìm được công trình xứng đáng để trao giải.

Năm ngoái, giải Nobel Hóa học được trao cho phát minh kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải. Việc phát triển loại kính này giúp các nhà khoa học quan sát được bên trong các tế bào thần kinh, theo dõi các protein gây bệnh và xem quá trình phân chia tế bào trong phôi sống. Tính tới nay, mới chỉ có 4 người phụ nữ giành giải Nobel Hóa học gồm bà Marie Curie (năm 1911, khám phá ra chất radium và polonium), Irene Joliot-Curie (con gái của Marie, năm 1935, sự phát xạ nhân tạo), Dorothy Hodgkin (năm 1964, sử dụng tia X-quang tìm ra cấu trúc sinh hóa) và Ada Yonath (năm 2009, nghiên cứu về chức năng của ribosome).