Điện sa mạc

Những nhà máy điện – gương khổng lồ trên vùng sa mạc quanh Địa Trung hải có thể giúp châu Âu không còn phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga cũng như biến động giá dầu trên thế giới. Công nghệ đã có, các nhà đầu tư đã sẵn sàng – nhưng giới chính trị còn do dự.

“Dầu mỏ” của thế kỷ 21 không ở dưới mà ngay trên mặt đất – đó là ánh nắng – Gerhard Knies – người phát ngôn của Trans-Mediterranean Renewable Energy Cooperation (TREC – tổ chức gồm các nhà khoa học và chính khách của nhiều nước nhằm giải quyết vấn đề năng lượng của châu Âu) – còn gọi ánh nắng mặt trời là “của chìm” (hidden asset). Dự án Desertec của TREC có tham vọng biến cái nắng gắt sa mạc thành nguồn điện khổng lồ. Hiện vùng sa mạc ở Bắc Phi và Cận Đông tiềm ẩn nguồn năng lượng mặt trời lên đến 630.000 Terawatt/giờ (TWh).

Bộ Môi trường Đức đã giao nhiệm vụ cho Hans Müller-Steinhagen (Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức – DLR) nghiên cứu tính khả thi của Desertec và ông này đã nhận định rằng “Desertec không phải là viễn tưởng”.

Năm nay, Châu Âu cần 4000 Terawatt/giờ, bằng 0,6% nguồn năng lượng mặt trời không được sử dụng tại khu vực nói trên. Châu Âu cần điện nhưng thiếu nắng, các quốc gia ở Bắc Phi và Cận Đông thì ngược lại. Một giải pháp được đề ra là: miền nam sản xuất điện cho miền bắc. Tuy nhiên việc chuyển tải nguồn năng lượng khổng lồ này sẽ tiến hành như thế nào? Và làm thế nào để biến ánh sáng mặt trời trên sa mạc thành điện năng?

Điều này khá đơn giản: Desertec dùng Low-Tech – do đó không cần phải có các lò phản ứng hạt nhân tốn kém, không cần các nhà máy nhiệt điện phải tách bỏ CO2, cũng không cần tế bào quang điện cực mỏng. Nguyên tắc rất đơn giản, hầu như học sinh phổ thông đều từng thử nghiệm, đó là dùng kính lúp thu nhiệt từ ánh sáng trời để đốt những tờ giấy: ở đây là Gương – máng parabol tập trung ánh sáng mặt trời, đun nước, hơi nước tác động vào turbin và tạo ra điện.

Để có thể cung cấp đủ điện cho toàn thế giới, diện tích sa mạc cần được phủ kín bằng những nhà máy điện – gương sẽ có diện tích tương đương diện tích của nước Áo (83.871 km2).

Chung hưởng lợi ích

Khi các nhà máy điện – gương trên sa mạc để xuất khẩu năng lượng điện cho các quốc gia khác trên thế giới, nhiệt lượng dôi dư của các nhà máy nhiệt điện này có thể được dùng để vận hành các nhà máy khử muối nước biển để sản xuất nước ngọt (Các nước giàu ánh nắng ở Bắc Phi và Cận Đông rất khan hiếm nước ngọt).

Châu Âu cũng được hưởng lợi lớn từ dự án này: không còn bị phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga cũng như vào biến động giá dầu trên thế giới. Không còn có rác thải phóng xạ. Không còn có các nhà máy điện chạy than ảnh hưởng xấu đến khí hậu.
Thực ra Desertec không còn là một mong muốn viển vông, xa vời. Công nghệ đã có và đã được thử thách: Từ giữa những năm 80, người ta đã xây dựng và đưa vào hoạt động thành công một số nhà máy nhiệt mặt trời ở California và Nevada (Mỹ). Hiện một số nhà máy điện loại này đang được xây dựng ở miền nam Tây Ban Nha; các nước như Algeria, Marocco và Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cũng đang triển khai xây dựng một số nhà máy nhiệt điện mặt trời.

Về chi phí đối với loại năng lượng điện mới này, Müller-Steinhagen tính toán: Đến năm 2050 nếu châu Âu muốn thoả mãn 15% nhu cầu năng lượng điện thông qua các nhà máy nhiệt điện mặt trời thì phải đầu tư khoảng 400 tỷ Euro. Trong đó chi phí xây dựng nhà máy điện hết 350 tỷ Euro và chi phí xây dựng mạng lưới điện cao thế-một chiều hết khoảng 50 tỷ để chuyển tải điện từ Bắc Phi đến châu Âu. Công nghệ đã có và đã qua thử thách.

Song, nếu mọi chuyện đơn giản thì tại sao các quốc gia giàu nắng lại đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân vừa tốn kém vừa nguy hiểm, thay vì đầu tư vào công nghệ – gương? Và Mỹ cũng có sa mạc, vì sao nước này không muốn giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ?

Câu trả lời của Müller-Steinhagen là: “Các nguồn năng lượng hoá thạch quá rẻ “. Mỹ có thể xây dựng các nhà máy nhiệt điện mặt trời cỡ lớn, nhưng giá dầu mỏ mấy chục năm qua quá rẻ nguồn nhiệt điện mặt trời không thể cạnh tranh nổi. Các nước như Ả rập Xê út, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Kuwait dư thừa ánh nắng mặt trời nhưng cũng rất giàu dầu mỏ. Tuy nhiên chính những nước này lại có điều kiện tài chính thuận lợi để xây dựng các nhà máy nhiệt điện mặt trời. Tại Ả rập Xê út hay Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, giá một kilowatt/giờ chỉ nửa Cent, vì thế rất khó để thuyết phục người dân ở đây về những ưu điểm của nhiệt điện mặt trời.

Châu Âu cần năng lượng, Bắc Phi cần nước ngọt

Samer Zureikat, người sáng lập Công ty TNHH Mena Cleantech thừa nhận: “Các nước Bắc Phi và Cận Đông thiếu nhận thức về triển vọng của loại công nghệ mới này. Khi nói với về năng lượng mặt trời, ở đây người ta nghĩ đến các tấm tế bào quang điện mà không hề nghĩ đến những nhà máy nhiệt điện mặt trời khổng lồ”. Song theo Zureikat, việc chuyển sang áp dụng công nghệ nhiệt điện mặt trời là không thể tránh bởi: “Châu Âu cần điện, trong khi đó Bắc Phi và Cận Đông lại cần nước”. Theo Müller-Steinhagen, đến năm 2050, nhu cầu nước ngọt của các nước trong vùng sẽ tăng gấp ba.

Hiện giá điện mặt trời chưa có khả năng cạnh tranh, song chi phí sản xuất các loại năng lượng điện thông thường đang ngày càng tăng – trong khi đó chi phí xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện mặt trời lại không ngừng giảm. Dự tính đến năm 2020, giá thành sản xuất điện từ nguồn năng lượng hoá thạch và nhiệt điện mặt trời sẽ tương đương nhau. Hơn nữa giá loại năng lượng điện này lại có tính ổn định hơn hẳn vì nguồn cung vô tận, không mất tiền mua và cũng không phải đâu tư khai thác quá tốn kém.

Giới chính khách ở Đức đang quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với Desertec. Tổng thống Pháp Sarkozy cũng bất ngờ quan tâm tới năng lượng mặt trời mặc dù bản thân ông mới chào bán cho các nước Bắc Phi một số nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như: Ai sẽ đầu tư tài chính cho hệ thống mạng lưới dẫn điện? Hệ thống dẫn điện do ai quản lý? Liệu có bảo đảm cam kết giá đầu vào của nguồn điện từ nhiệt điện mặt trời?

Các nhà đầu tư cũng như giới công nghiệp rất quan tâm đến vấn đề này. Nguồn vốn để đầu tư xây dựng có thể huy động được, vấn đề công nghệ đã được giải quyết, cái thiếu hiện nay là quyết tâm chính trị cao của các chính phủ.