Có khi nào bao bì thực phẩm lại có lợi cho môi trường?

ThienNhien.Net – Nếu giống tôi, bạn hẳn sẽ thấy khó chịu khi mua một sản phẩm có quá nhiều bao bì đóng gói. Thật lãng phí nhựa và giấy! Xét về mặt bảo vệ môi trường, liệu có nên giảm bớt bao bì để tiết kiệm tài nguyên không?

Thực ra chúng ta không nhất thiết phải tiết kiệm bao gói đối với mọi loại thực phẩm. Các nhà nghiên cứu Thụy Điển mới đây đã dùng Công cụ đánh giá vòng đời (LCAs) để kiểm tra tác động môi trường của việc sản xuất và đóng gói thực phẩm đối với tình trạng nóng lên toàn cầu (dấu chân carbon), sử dụng năng lượng, quá trình phú dưỡng và axit hóa.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp chí Conservation)
Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp chí Conservation)

Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung thêm bao bì có thể giảm tác động môi trường của các sản phẩm từ động vật như pho mát, thịt bò hay các sản phẩm nhanh hỏng như bánh mỳ vì có thể giảm ôi thiu và nhờ vậy tránh lãng phí thực phẩm.

Nghiên cứu LCA cho thấy tác động môi trường lớn nhất đối với nhiều loại thịt cá và bánh mì là do quá trình nuôi trồng và chế biến, chứ không phải từ quá trình đóng gói. Việc thêm lớp bao bì có thể có tác động nhỏ đến môi trường nhưng đổi lại có thể giảm thiểu lãng phí thức ăn.

Ngược lại, đối với rau củ, giảm bớt bao bì sẽ có ích cho môi trường hơn. Trong khi năng lượng để sản xuất ra 1kg pho mát gấp gần 60 lần so với năng lượng sản xuất bao bì đóng gói 1kg đó, năng lượng để làm ra 1 kg sốt cà chua chỉ gấp 2 lần năng lượng sản xuất bao bì. Vì vậy đối với rau củ, sự lãng phí bao bì lại không được đền bù bằng việc giảm lãng phí thực phẩm.

Do đó, các chính sách nhằm giảm thiểu bao bì đóng gói có thể bị sai lệch nếu tình cờ  làm gia tăng sự lãng phí thức ăn. Còn với người tiêu dùng, không nên lo lắng quá về xốp và nilong bọc thịt bò mà hãy chỉ nên hạn chế bao bì bọc cải xanh.