Bức tử danh thắng Quốc gia Hồ Thác Bà: Moi ruột ‘viên ngọc đại ngàn’ tìm đá quý

Hồ Thác Bà được ví như “viên ngọc giữa đại ngàn Tây Bắc”. Hồ là di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia và tỉnh Yên Bái chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhưng đáng lo ngại, nhiều năm qua lòng hồ cảnh quan trên bờ đang ngày đêm bị bức tử…

Những “resort” sắp hoàn thiện trên lòng hồ Thác Bà.

Giữa lòng hồ, không gian đẹp huyền ảo như “Hạ Long trên cạn” bị xé toang bởi hàng loạt máy nổ rầm rú. Hàng ngày, hàng trăm con người cùng với máy móc đào xới, sục sạo lòng hồ tìm đá quý. Hiện hàng loạt khu nhà tạm mọc trái phép trên các ốc đảo.

Nhà tạm bủa vây ốc đảo

Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam cách Hà Nội 140 km theo quốc lộ 2 về phía Tây. Hồ hình thành khi đập thủy điện Thác Bà năm 1970 chặn dòng sông Chảy.

Hồ Thác Bà có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên tỉnh Yên Bái, hồ ví như “Hạ Long trên núi” với những đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.

Nhưng nay, danh thắng ấy đang bị người dân xâm lấn, cải tạo ồ ạt những điểm đảo. Sau 1 tháng trời lênh đênh trên lòng hồ Thác Bà, thấy danh thắng quốc gia đang bị xâm hại nghiêm trọng khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Tại khu vực thượng nguồn hồ, gần thủy điện Thác Bà, có hàng loạt căn nhà sàn đang được hoàn thiện. Nhìn từ xa, không khác gì các resort nghỉ dưỡng. Những điểm đảo bị san phẳng. Một con đường nhỏ rải thảm bê tông, đi vòng quanh từ dưới hồ lên các nhà sàn. Xung quanh là những cây cảnh mới được trồng lên.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh hòn đảo, anh Lân, một lái đò thường xuyên chở khách thăm quan hồ Thác Bà cho biết, khu nhà sàn này được một người đàn ông quê ở Lào Cai mua và cho đào móng, xây nhà sàn cách đây 3-4 năm. Tuy nhiên, do chưa được cấp phép nên lãnh đạo UBND huyện Yên Bình sau đó đã ra quyết định đình chỉ.

Những “resort” không phép hoàn thiện trên lòng hồ Thác Bà.

Gần đây, anh Lân bắt đầu thấy các nhà sàn trên được sửa sang, hoàn thiện. Theo anh Lân, khu này đã được sang tên chuyển nhượng cho một người nghe nói có chức sắc.

Tại nhiều hòn đảo khác, chúng tôi cũng ghi nhận có 2-3 căn nhà sàn đã mọc lên. Một số nơi còn phục vụ du khách ngồi câu cá, ăn uống trên đảo.

Cào cấu lòng hồ tìm đá quý

Theo tài liệu của công an tỉnh Yên Bái, cuộc tranh giành đá đỏ tại lòng hồ Thác Bà nóng bỏng nhất vào những năm 1980, 1990.

Hầu hết những ngọn núi bị nước dòng sông Chảy nhấn chìm một nửa thời đấy đều có người chiếm giữ để khai thác đá đỏ. Nhiều người giàu lên nhanh chóng song cũng không ít người khuynh gia bại sản trong chớp mắt. Tất cả chỉ vì tìm đá ruby với ước mơ đổi đời.

Hàng loạt tàu cùng các phương tiện “moi ruột” khai thác đá quý ở lòng hồ.

Và trong cuộc tranh giành ở nơi đảo hoang ngày ấy không tránh khỏi những cuộc ẩu đả, trả thù lẫn nhau gây đổ máu trên các ốc đảo biệt lập. Đá đỏ ngày ấy đã khiến bao người phải chôn vùi thây xác vì tai nạn sập hầm, những vụ thanh trừng. Sau đó, Công an, cả hệ thống chính quyền vào cuộc rốt ráo mới dẹp được vấn nạn trên.

Nhưng vài năm trở lại đây, lòng hồ lại bắt đầu dậy sóng. Những ngày tháng cuối năm, chúng tôi thuê một người dân địa phương chở xuồng máy lượn xung quanh hồ. Quanh nhiều điểm đảo là những vết sạt lở do khai thác đá quý, có những đường dây điện kéo từ lâu, một số máy tời, máy đào đất cũ kĩ bị vứt bỏ lại. Sau đóm chúng tôi ngược lòng hồ lên khu vực Cẩm Ân.

Chợt có tiếng máy bơm vang lên từ đằng xa. “Kia rồi. Có mấy cái đầu đang nhấp nhô dưới hố sâu. Chúng đào để lấy chỗ sàng lọc đá quý đấy”, anh Toàn (người lái đò-PV) chỉ tay và ra hiệu chúng tôi đừng để lộ máy quay, máy ảnh.

Trước mắt chúng tôi là hàng chục điểm, mỗi nhóm 4-5 người hì hục đào tìm, sàng lọc đá quý. Mỗi điểm có một chiếc xuồng máy, phủ bạt kín mít. Cạnh đó là cái lán trại tạm bợ dựng bằng bạt. Một chiếc máy hút cát sỏi, đá quý thọc vòi sâu dưới lòng hồ hút lấy hút để, đổ vào một hố sâu, trên điểm đảo.

Theo anh Toàn, những hố sâu nham nhở trên các điểm đảo là nơi các đối tượng sàng kiếm đá quý. Có hố đào sâu 4-5 mét, rộng gần chục mét. Các đối tượng dùng máy hút có công suất lớn để hút bùn lòng hồ lên sàng lọc. Một chiếc máy sàng sẽ tách đá một bên, cát một bên, sản phẩm phụ một bên. May mắn thì tìm thấy đá quý.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có điểm, các đối tượng còn mang cả chó ra canh gác. Những bộ quần áo lao động sờn vai cổ, được phơi trên cọc phần nào cho thấy công cuộc đào tìm đá quý rất vất vả, ngày qua ngày. Trong số các phu đá, có bóng dáng cả phụ nữ. Theo anh Toàn, họ được phân công nấu nướng, giặt giũ cho cánh mày râu.

Thấy chúng tôi lấp ló chiếc máy quay, điện thoại, các đối tượng lập tức dồn mọi ánh mắt dõi theo. Có hai đối tượng đội mũ cối còn ra hiệu gì đó bằng bai bàn tay xem chúng tôi có phản ứng gì không.

“Anh thử tạt xuồng vào đó em giả vờ hỏi mua đá quý xem có không”, tôi nói với lái xuồng. Lập tức anh này gạt phăng: “Chú cứ đùa. Vào đó, mai kia nó truy ra anh dẫn các chú đi là xong đời”.

Chở chúng tôi đi tiếp, anh Toàn cho hay, hiện hồ Thác Bà đang vào mùa nước nổi, nên nhiều địa điểm khai thác bị ngập nước, dân khai thác đá phải dùng máy hút bùn, cát công suất lớn đưa xuống hồ hút cát, sỏi lên để đãi tìm đá. Theo người dân, hoạt động khai thác đá đỏ đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Các mỏ đá khai thác rầm rộ ở lòng hồ Thác Bà.

Làm việc với phóng viên, đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho biết: từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an các huyện Lục Yên, Yên Bình kiểm tra hoạt động khai thác, tìm kiếm đá quý trái phép tại địa bàn các xã Động Quan (Lục Yên), xã Cẩm Ân, Tân Hương, Mông Sơn, Đại Đồng (Yên Bình).

Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 2 vụ vi phạm, 2 đối tượng, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn thu giữ 51 máy nổ, 45 sên, 22 ống dây dẫn nước của các đối tượng sử dụng để khai thác đá quý trái phép. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng tháo dỡ lán, trại.

Trước những hình ảnh tư liệu do phóng viên cung cấp, vị Phó phòng Tham mưu cho biết sẽ báo cáo Ban giám đốc chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm.

Liên quan tới các nhà sàn xây dựng trên đảo, lãnh đạo UBND huyện Yên Bình cho biết, riêng các nhà sàn, nhà tạm trên địa bàn hồ Thác Bà có vài chục cái, song cái này thuộc quản lý của cấp xã và nhiều nơi thuộc đất nông nghiệp, đất rừng.

“Công trình lớn nhất ở xã Đại Đồng, cách đây khoảng 3 năm, khi phát hiện việc xây dựng trái phép, UBND xã Đại Đồng đã ra quyết định đình chỉ do chưa hoàn thiện các giấy tờ, chưa được cấp phép đất ở. Sau đó, xã đã đề nghị cho tư nhân xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng ”, vị này nói.