Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự: Bảo đảm quyền tranh tụng công bằng

ThienNhien.Net – Ngày 26/9, Hội thảo quốc tế góp ý các Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự theo Hiến pháp 2013 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, với các phiên thảo luận về sửa đổi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và tham khảo kinh nghiệm luật pháp quốc tế.

Gần 100 chuyên gia luật, các luật sư, thẩm phán cao cấp trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế (Ảnh: Hồng Phúc)
Gần 100 chuyên gia luật, các luật sư, thẩm phán cao cấp trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế (Ảnh: Hồng Phúc)

Chủ trì các phiên thảo luận có GS Daniel H. Derby, Đại học Touro, New York; PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án tòa quân sự, Phó Chánh án TAND Tối cao và TS Võ Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Luật Hình sự, Đại học Luật TP. HCM.

Trong phát biểu khai mạc, TS Võ Thị Kim Oanh, Trưởng Khoa luật Hình sự (Đại học Luật TP.HCM) cho biết, trong bối cảnh và yêu cầu của cải cách hệ thống tư pháp hiện nay thì Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cần tiếp tục có những sửa đổi, trong đó có những nội dung cơ bản như: biện pháp cưỡng chế đến những vấn đề bảo vệ quyền con người; tranh tụng công bằng; quyền của người buộc tội; bảo vệ người tố giác, người bị hại và người làm chứng;…

Theo Hiến pháp 2013, quyền tự do của công dân là những quyền cơ bản của con người và là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự xã hội; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nhưng, qua thực tiễn đã phát sinh những bất cập, khó khăn trong các quy định về biện pháp cưỡng chế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013.

Các đại biểu tham gia thảo luận chia sẻ kinh nghiệm quốc tế vào dự thảo BLTTHS tại Hội thảo (Ảnh: Hồng Phúc)
Các đại biểu tham gia thảo luận chia sẻ kinh nghiệm quốc tế vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự tại Hội thảo (Ảnh: Hồng Phúc)

“Chúng tôi cho rằng, điểm tiến bộ trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định các biện pháp cưỡng chế và những vấn đề còn bất cập chưa bảo đảm quyền tự do công dân. Nghĩa là đã xem xét mối quan hệ giữa các quyền hiến định và quyền con người. Trong đó, đã nhận thức việc áp dụng sai các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự có thể làm giảm sát lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ”, TS Oanh nói.

Chia sẻ về vấn đề trên, GS.TSKH Đào Trí Úc, Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam đã quy định rõ thiên chức trọng yếu của Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng như xác định nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử. Các quy định này đỏi hỏi một quá trình tranh tụng công bằng, đề cao tranh tụng, tự do trình bày chứng cứ, chứng minh; triệt để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc về quyền bào chữa của người bị buộc tội.

Theo GS Úc, trường hợp người bị buộc tội không buộc phải chứng minh lỗi của mình; trách nhiệm chứng minh cho sự buộc tội và bác bỏ các chứng lý của phía bào chữa của bị can, bị cáo hoàn toàn thuộc về phía buộc tội. Đồng thời, mọi nghi ngờ về lỗi của người bị buộc tội nếu không được loại bỏ theo một trình tự được pháp luật quy định đều cần phải được hiểu theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

280915_luat3

GS Per Ole Traskman, khoa Luật, Đại học Lund, Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm ở các nước Bắc Âu rất quan tâm đến các quyền tự do của công dân, quyền bầu cử và các quyền trong xét xử hình sự trong đó bảo đảm quá trình tố tụng công bằng. “Tôi chú ý đến điều 14 của công ước quốc tế về quyền Dân dự và chính trị có quy định đến xét xử hình sự. Đây là một điều luật rất quan trọng của công ước. Điều luật này bảo đảm nguyên tắc về tính công bằng và công khai của phiên tòa hình sự, nguyên tắc về tính độc lập, khách quan của tòa án, và công chúng, bao gồm các phương tiện truyền thông nói chung được vào phòng xử án miễn phí”, GS Per Ole Traskman cho biết, đồng thời cho rằng Việt Nam có thể học hỏi trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự .

Tham gia phiên thảo luận thứ 3, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án tòa quân sự, Phó Chánh án TAND Tối cao chia sẻ thêm về hoàn thiện các nguyên tắc tố tụng hình sự nhìn từ Hiến pháp 2013 trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự . Theo chuyên gia này, nguyên tắc xác định sự thật vụ án nên chú trọng vào 3 điểm: sự thật vụ án cần được xác định khách quan, toàn diện, đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án; trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; trách nhiệm gỡ tội thuộc người bào chữa. Về cơ bản, phán quyết của Tòa án được đưa ra trên cơ sở các chứng cứ được Tòa án trực tiếp kiểm tra, xác minh và thu thập tại phiên tòa. Mọi nghi ngờ trong việc chứng minh tình tiết của vụ án được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Cùng tham gia thảo luận về chủ đề trên, các GS Daniel H. Derby, Đại học Touro (New York), TS Peter Vedel Kessing, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhân quyền Đan Mạch, ông Daniel Nguyễn, Luật sư tranh tụng tại Melbourne (Australia), Tổng Thư ký Ủy ban Luật gia Quốc tế tại Victoria cũng đã đưa ra nhiều chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn áp dụng luật của Công ước Châu Âu về nhân quyền, các công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), các công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và đưa ra các khuyến nghị hữu ích cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự .

Chiều 26/9, hội thảo quốc tế tiếp tục phiên thảo luận thứ 4 với chủ đề “Sửa đổi các quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm đảm bảo quyền con người trong tố tụng hình sự.