Bảo vệ đất đồi núi là vấn đề cấp thiết

ThienNhien.Net – Suy thoái đất đai vùng đồi núi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đói nghèo. Đó là khẳng định của ông Jose Graziano da Silva Tổng giám đốc Tổ chức Nông –Lương Liên hợp quốc (FAO) trong chương mở đầu cuốn sách “Understanding Mountain Soils” mới được công bố.

Các khu vực đồi núi có vai trò quan trọng nhưng cũng là vùng dễ bị tổn hại của hệ sinh thái, đặc biệt nhạy cảm với biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và tập quán canh tác, khai thác tài nguyên không bền vững.

“Understanding Mountain Soils” ra đời hưởng ứng Năm Quốc tế về Đất đai 2015, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò cũng như cung cấp các kiến thức, kỹ thuật để quản lý bền vững các vùng đất đồi núi.

Đồi chè ở Sơn La (Ảnh: Hoàng Xuân Thủy/PanNature)
Đồi chè ở Sơn La (Ảnh: Hoàng Xuân Thủy/PanNature)

Nhóm tác giả cuốn sách đã miêu tả đặc điểm nổi bật của các khu vực đồi núi trên thế giới, bao gồm cả các vấn đề về kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường cũng như những hiểm họa mà các khu vực này đang phải đối mặt.

Nhóm tác giả cũng phân tích các mô hình thực tiễn có hiệu quả như cải thiện bảo tồn đất bằng phương pháp trồng cà phê trong bóng râm, giải pháp tăng khả năng lưu trữ các-bon đáng ngạc nhiên của đất ở vùng duyên hải Scotland, tính khả thi của việc luân canh trên vùng đồi Chittagong của Bangladesh…

Hai chương trình được FAO hỗ trợ cũng được đề cập trong cuốn sách, một trong số đó là giải pháp thay thế phương thức phá rừng đốt cây làm nương rẫy bằng cách phát triển nông lâm nghiệp kết hợp ở các vạt rừng khu vực Trung Mỹ; và chương trình hỗ trợ xây dựng bản đồ công nghệ cao tại Việt Nam cho phép xác định những khu vực đất bị xói mòn, giúp nông dân thay đổi cách thức canh tác cà phê, giảm sự rửa trôi của đất.

Các giải pháp liên quan tới địa chất cũng được đề cập trong cuốn sách. Một ví dụ ở Nepal cho thấy trồng cây lá rộng cố định đạm phát triển nhanh và các loại cỏ ở địa phương giúp bảo vệ đất hiệu quả hơn so với phương pháp trồng rừng thông truyền thống.

Một trường hợp khác được các tác giả phân tích là sự thu hẹp chăn thả tự nhiên ở miền Nam Ấn Độ do quy định cấm người dân chăn thả tại các khu vực rừng. Đây là một ví dụ về giá trị về các dịch vụ hệ sinh thái. Chăn thả gia súc vừa cung cấp phân bón cho nông dân vừa giúp giảm nguy cơ cháy rừng từ lớp thực bì dầy. Chăn thả gia súc ít đi khiến nông dân địa phương phải sử dụng nhiều hóa chất hơn trong canh tác, khiến các loài xâm lấn có cơ hội thay thế hệ thực vật bản địa. Song song với đó, nạn săn bắt trái phép diễn ra phổ biến hơn trong khu vực.

Các tác giả cuốn sách cho rằng các giải pháp phục hồi lại những khu vực đất suy thoái có liên hệ chặt chẽ với cộng đồng dân cư miền núi. Những người sinh sống và canh tác tại khu vực này từ đời này sang đời khác chính là những người có khả năng thực hiện và phát triển các sáng kiến và kỹ thuật để phục hồi đất.

Cuốn xuất cũng đề xuất phương pháp tiếp cận mới là cung cấp các dịch vụ sinh thái, thúc đẩy cơ chế đền bù cho cộng đồng người dân ở miền núi để họ thực hiện các biện pháp quản lý đất đai bền vững nhằm gia hấp thụ các-bon, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát xói mòn cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

“Sự màu mỡ của đất đai ở khu vực miền núi không chỉ có ích với khu vực mà còn đem lại lợi ích cho toàn thế giới”, ông Ronal Vargas, chuyên gia về đất của FAO nhấn mạnh ở chương cuối cùng của cuốn sách.