Bản đồ điểm nóng bảo tồn biển, hồ của thế giới

ThienNhien.Net – Mới đây, nhóm nghiên cứu do nhà sinh thái học Sandra Pompa của Đại học Tự quản Quốc gia Mexico dẫn đầu đã công bố bản đồ địa lý khoanh vùng 20 khu vực biển, hồ được cho là chìa khóa đảm bảo sự  sống còn của các loài động vật biển có vú như hải cẩu, cá heo. Bản đánh giá cũng đồng thời cảnh báo rằng phần lớn trong số 20 “điểm nóng” bảo tồn biển hiện đang phải gánh chịu áp lực từ hàng loạt tác động của con người mà điển hình là ô nhiễm và vận tải biển.

Rõ ràng, các hệ sinh thái biển trên hành tinh của chúng ta đang bị  suy thoái nhanh chóng, chủ yếu là do sự  xuống cấp môi trường sống, xuất hiện loài ngoại lai và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên – bà Pompa khẳng định.

Rất nhiều quần thể động vật biển có vú bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng. Thậm chí, một số loài như hải cẩu thầy tu Caribbe (Monachus tropicalis), cá voi xám Đại Tây Dương (Eschrichtius robustus) và bò biển Steller (Hydrodamalis gigas) còn bị tuyệt chủng từ thế kỷ XX do hoạt động buôn bán da, mỡ, thịt của chúng.

Một con cá heo Vaquita “tử nạn” tại Vịnh Baja California (Ảnh: Reuters)

Nhóm nghiên cứu của bà Pompa đã nỗ lực xác định những vùng biển mang tính quyết định nhất tới số lượng 129 quần thể động vật biển có vú trên thế giới. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy có 9 điểm bảo tồn trọng điểm – là “ngôi nhà” của 84% động vật biển có vú – và 11 điểm bảo tồn “không thể thay thế được”, nơi sinh sống của các loài đặc hữu.

9 “điểm nóng” bảo tồn chính, nơi cư trú của 108 loài, là các vùng bờ biển Baja California, đông bắc Hoa Kỳ, Peru, Argentina, tây bắc châu Phi, Nam Phi, Nhật, Úc và New Zealand. 11 khu bảo tồn nhỏ hơn, nơi trú ẩn của các loài đặc hữu, bao gồm các vùng biển quanh quần đảo Hawaii và Galapagos, hồ Baikal ở Siberia và những dòng sông chính như sông Amazon, sông Hằng, sông Dương Tử.

Nhóm nghiên cứu đã phân chia các đại dương thành lưới ô, mỗi ô xấp xỉ 10.000 km2, sau đó tiến hành xác định loài nào sống trong ô nào. Các ô địa lý trên cũng được đánh giá dựa vào việc chúng có chứa những khu vực kiếm ăn quan trọng hay thuộc lộ trình di cư hay không.

Bản đồ còn thể hiện thông tin về tác động của con người, như gây biến đổi khí hậu, ô nhiễm đại dương và vận tải đường thủy. Các khu vực không chịu tác động có điểm số là 0, trong khi khu vực chịu tác động mạnh có thể đạt tới điểm số 3. Điều đáng lo ngại là 70% diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất lại rất gần điểm bảo tồn trọng yếu.

Cũng theo nhóm này thì loài động vật biển có vú tiếp theo nhiều khả năng bị tuyệt chủng là cá heo Vaquita (Phocoena sinus), một loài cá heo nhỏ đặc hữu sống tại một khu vực nhỏ cận bắc Baja California (Mexico). Rất có thể trong tự nhiên, số lượng của chúng chỉ còn khoảng 250 cá thể.

“Và thực tế, quần thể hải cẩu Baikal (Pusa sibirica) cũng không còn bao nhiêu. Nếu bạn cho rằng có thể giải cứu cá heo Vaquita khỏi vùng Vịnh Baja California bằng cách di chuyển chúng tới một nơi khác thì còn hy vọng, nhưng với hải cẩu Baikal thì hoàn toàn không thể. Đây là loài có vú đặc hữu chỉ sống ở nước ngọt. Nếu hệ sinh thái hồ xảy ra bất cứ xáo trộn nào hoặc xuất hiện bệnh dịch mới thì tất cả quần thể hải cẩu sẽ bị vây hãm trong hồ và sớm diệt vong” – bà Pompa cho biết thêm.

Có thể nói bản đồ trên chính là bước tiến mới của hoạt động bảo tồn các động vật biển có vú trên thế giới và bất cứ  chính phủ hoặc một tổ chức bảo tồn nào cũng đều có thể sử dụng tấm bản đồ này như một công cụ phù hợp với mục tiêu của mình. Qua đó, chúng ta sẽ nhận biết được nơi nào giàu tài nguyên, nơi nào có nhiều loài bị đe dọa, cần bảo vệ những hành lang nào để đảm bảo sự hiện diện của tất cả các loài động vật biển có vú – lớp sinh vật lớn đại diện cho những hệ sinh thái khỏe mạnh trên Trái đất của chúng ta.