Đắk Nông: Hàng chục nghìn hécta rừng “biến mất”

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Công an làm rõ, xử lý vụ phá rừng tại Cty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đắk Nông) do Báo Lao Động phản ánh. Nhưng không chỉ có Cty Gia Nghĩa, tình trạng phá rừng đang xảy ra phổ biến ở nhiều Cty lâm nghiệp khác thuộc tỉnh này.

Bài 1: 26.000ha rừng bị phá trong 5 năm

Chỉ trong 5 năm, toàn tỉnh có tới 26.000ha rừng bị phá, 50.000ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm trái phép. Các chủ thể để mất rừng là Cty lâm nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các dự án “công – tư hợp tác” trên đất rừng. Vậy nhưng, việc xử lý trách nhiệm những người để mất rừng vẫn chưa kịp thời, nghiêm khắc, mà ngược lại có phần… quá dè dặt.

Sắp giải thể hàng loạt vì không còn rừng

Nạn chặt phá, bao chiếm đất rừng tại Cty Gia Nghĩa (Lao Động đã phản ánh trong bài trước) là hết sức nghiêm trọng, có dấu hiệu “tiếp tay” của lực lượng quản lý rừng. Từ việc sáp nhập toàn bộ đất rừng của các lâm trường Quảng Khê, Đắk Ha, Nghĩa Tín với diện tích cả chục nghìn hécta, đến nay Cty Gia Nghĩa chỉ còn lại chưa tới 1.400ha. Do vậy trong phương án sắp xếp, đổi mới các nông-lâm trường quốc doanh vừa trình Chính phủ, Cty Gia Nghĩa phải chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ.

Tương tự, Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân cũng thuộc diện sắp giải thể, do diện tích rừng còn quá ít. Sau khi sắp xếp lại, năm 2008 Cty Trường Xuân được UBND tỉnh Đắk Nông giao gần 7.000ha rừng, nhưng đến nay hơn 4.500ha đã… biến mất. Toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá nay đã thành bạt ngàn caosu, cà phê, đất ở, mua bán lòng vòng để hợp thức hóa, chờ cấp… “sổ đỏ”. Như Cty Gia Nghĩa, lãnh đạo Cty lâm nghiệp Trường Xuân cũng… thả tay cho phá rừng. Theo kết luận của đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Đắk Nông mới đây thì “chưa có diện tích nào bị chặt phá, bao chiếm được Cty lâm nghiệp Trường Xuân thống kê, thu hồi để trồng lại rừng”. Do diện tích rừng tại 14 Cty lâm nghiệp còn lại quá ít, UBND tỉnh Đắk Nông đang trình Chính phủ cho giải thể hoặc chuyển thành ban quản lý rừng, chỉ giữ lại 5 Cty.

Trước thực trạng bất lực của các Cty lâm nghiệp nhà nước, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi hơn 31.600ha đất rừng, giao cho các doanh nghiệp (DN) tư nhân thuê. Nhưng theo rà soát mới đây, trong 41 dự án của các DN chỉ có 10 dự án có hiệu quả, còn 22 dự án kém hiệu quả, 9 dự án không hiệu quả, trong khi các DN này đã để gần 5.000ha rừng tự nhiên bị chặt phá. Chỉ mới thống kê tại 17 dự án, Sở NNPTNT Đắk Nông xác định việc mất rừng tại các DN đã gây thiệt hại cho Nhà nước 272 tỉ đồng. Không chỉ mất rừng, diện tích đất lâm nghiệp giao cho các DN cũng bị bao chiếm tràn lan, với hơn 8.000ha bị chiếm giữ trái phép. Trong đó nhiều dự án bị bao chiếm gần hết như dự án của Cty CP Đầu tư xây dựng 59, Cty CP Đầu tư Xây dựng Kiến Trúc Mới, Cty Long Sơn… Theo Sở TNMT Đắk Nông, việc tranh chấp đất đai giữa người dân và các DN rất phức tạp, khả năng thu hồi để trồng lại rừng là rất khó.

Do còn quá ít rừng, Cty Gia Nghĩa không đủ điều kiện để duy trì.
Do còn quá ít rừng, Cty Gia Nghĩa không đủ điều kiện để duy trì.

Mất rừng do cơ chế?

Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua (2010-2015), diện tích rừng bị mất trên địa bàn tỉnh lên đến 26.000ha, diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, bao chiếm hơn 50.000ha. Tuy nhiên, trừ Cty Gia Nghĩa đang chờ kết luận của Thanh tra tỉnh và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, lãnh đạo các đơn vị còn lại chỉ bị xử lý hành chính. Với 4.500ha rừng tự nhiên biến mất tại Cty lâm nghiệp Trường Xuân, nhưng “xét về mặt khách quan, sai phạm với thời gian dài, liên quan đến cơ chế, chính sách, tình hình chung… nên cần được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Nội vụ tham mưu kỷ luật ông Trần Quyết Tâm – Chủ tịch kiêm GĐ Cty – và một số cán bộ Cty.

Với hàng chục DN tư nhân để mất rừng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, ông Đỗ Ngọc Duyên – Giám đốc Sở NNPTNT – cho biết, phải thành lập một hội đồng tư vấn gồm nhiều ngành chức năng. Nếu do lâm tặc đông quá, dân di cư tự do vào rừng nhiều quá, chủ rừng đã cố gắng nhưng không giữ được thì cần xem xét. Trường hợp nào thiếu trách nhiệm, không triển khai bảo vệ rừng, dẫn đến mất rừng hoặc cố ý phá rừng thì sẽ xử lý hình sự… Về việc buộc các DN để mất rừng phải bồi thường, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh Văn phòng UBND tỉnh – cũng cho biết, tỉnh đang tổ chức họp để xem xét. Nhưng ông Lộc cũng cho hay, từ trước đến giờ chưa có DN nào bồi thường giá trị thiệt hại về rừng.