Ong nghệ mất môi trường sống do biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Khí thải từ các phương tiện giao thông, khu chế xuất và nhà máy năng lượng đang đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu, khiến nhiệt độ tăng lên trong hơn 110 năm qua. Điều này đang thu hẹp môi trường sống của loài ong nghệ trên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là kết quả từ nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Nature.

Ong nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho các loài hoa dại và nhiều loài thực vật khác. Các nhà khoa học coi ong là loài “then chốt “quyết định “sức khỏe” của cộng đồng sinh thái. Nếu chúng biến mất, hàng loạt các loài khác sẽ phải chịu tác động lớn.

Ong nghệ cũng rất cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp. Chúng hoạt động vào các mùa xuân, hạ, thu, giúp thụ phấn cho các loài việt quất, cỏ ba lá và anh đào. Đặc biệt, giống cây cà chua chỉ có thể được thụ phấn nhờ ong nghệ.

Đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống của loài ong, cho thấy việc số lượng ong nghệ giảm trong vài thập kỷ qua liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm môi trường sống bị thu hẹp, tác động của việc thuốc trừ sâu và các loài ký sinh trùng.

Ong nghệ (Ảnh: The Guardian)
Ong nghệ (Ảnh: The Guardian)

Không như loài bướm, phạm vi cư trú của loài ong không được mở rộng mà ngược lại còn bị thu hẹp trên khắp các lục địa. Loài ong nghệ tiến hóa tại khu vực có khí hậu lạnh, do đó chúng không có khả năng chịu nhiệt. Nhiệt độ khắc nghiệt 43°C sẽ giết chết chúng, trong khi các đợt nắng nóng kéo dài có thể làm cạn kiệt nguồn thức ăn. Ngay cả khi khó tồn tại dưới cái nóng phía Nam, ong nghệ cũng không thể di cư tới những nơi lạnh hơn ở phía Bắc.

Nghiên cứu rà soát những ghi chép trong lịch sử tự nhiên trong suốt hơn 110 năm qua bao gồm khoảng 423.000 kết quả quan sát về loài ong nghệ tại 67 quốc gia Châu Âu và Bắc Mỹ. Kết quả cho thấy việc di cư của loài ong không hề bị ảnh hưởng bởi mục đích sử dụng đất, thuốc trừ sâu. Theo một số suy đoán, môi trường sống phía Bắc không phù hợp với loài ong này vì không có những loài thực vật cần chúng thụ phấn. Tuy vậy, lý do chúng không thể di cư vẫn còn để mở và cần sớm được làm sáng tỏ.

Một đề xuất được đưa ra nhằm hạn chế suy giảm số lượng ong nghệ là tái định cư loài về phía bắc, tương tự như đối với loài bướm và các loài thực vật khác. Tuy nhiên, việc xem xét các loài ong khác có bị ảnh hưởng hay không phải được tính đến.

Đây là một nghiên cứu quan trọng bổ sung thêm nhiều kiến thức về loài ong. Mặc dù không tạo ra bước đột phá, nghiên cứu này vẫn góp phần thu hút sự quan tâm của công chúng đối với vấn đề biến đổi khí hậu, thúc đẩy hành động từ các chính phủ trong bối cảnh Hội nghị khí hậu taị Paris đang đến gần.