Uganda: Đồng cỏ trở thành đồi trọc

ThienNhien.Net – Hiện nay, một hiện tượng tương tự sa mạc hóa đang lan rộng tới các khu vực ở Nakasongola – một quận miền Trung của Uganda, biến các vùng thảo nguyên phì nhiêu của đất nước Đông Phi này trở thành đồi trọc, đẩy cuộc sống của người dân trở nên tồi tệ.

Sedrack Lubega, một người dân sống ở quận Nakasongola, làm nghề chăn nuôi gia súc trên những đồng cỏ ở đây cho biết ông đang phải đối mặt với hiện tượng các đồng cỏ ngày càng trơ trụi. Hàng năm số lượng gia súc mà Lubega chăn nuôi đều tăng lên gấp đôi, nhưng trong vụ vừa qua, ông đã mất 50 con gia súc.

Lubega cho biết: “Tôi đã từ bỏ đời sống du mục, nhưng giờ thì không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi phải chuyển đến các khu vực gần hồ và đồng cỏ cho bầy gia súc. Chúng tôi đã đi khá xa đến hồ Kyoga nơi có trữ lượng nước lớn, nhưng ở đó cỏ cũng dần hết vì bầy gia súc quá đông”.

Đất của ông là một trong những khu vực đầu tiên trở nên khô cằn, mỗi ngày làm việc trôi qua cũng là lúc hàng nghìn cư dân du mục dần chôn vùi hi vọng vào đất cằn.

Tại một vài trại chăn nuôi gia súc, nhiều mảnh đất đã trơ trụi, tiêu biểu là Biharamata, người chủ phải chuyển sang các khu vực khác để tìm đồng cỏ. Chú của Lubega đã phải rời đến quận Bulisa 3 năm trước đây, tiếp đó là 3 người anh của ông cũng rời đi đến Kabarole và Arua cùng đàn gia súc của họ.

Trong khi đó, người dân Uganda đang phải đối mặt với những cuộc cạnh tranh nảy lửa về quyền sử dụng đất, do sự xâm hại âm thầm của hiện tượng sa mạc hóa.

Ông Stephen Muwaya, đại diện Bộ Nông Nghiệp cho biết: “Các khu vực đất cằn lớn tại Nakasongola là 1 dấu hiệu của sự suy thoái đất nghiêm trọng. Tồi tệ nhất là đất trở nên kém năng suất hơn”. Theo ông, hành lang chăn nuôi ở Uganda bao gồm hơn nửa số quận trên toàn đất nước đang bị ảnh hưởng.

Trong khi các cư dân của Nakasongola lại cho rằng, hiện tượng đất cằn là do sâu bọ ăn thực vật trong điều kiện khô ráo. Nhưng nhà nghiên cứu Swidiq Mugerwa của đại học Makerere (Uganda) lại đưa ra ý kiến khác. Theo ông, loài sâu bọ đang xâm hại vùng Nakasongola bởi yếu tố hữu cơ, cái gì chúng ăn vào đều bị phá hủy.

Điều này tương tự với quan sát của các chuyên gia ở đại học Makerere – tác giả của bản báo cáo mang tựa đề “Sự suy thoái đất đai tại Nakasongola”, đối với trường hợp của đất chăn thả, đất rừng và rừng tự nhiên.

Tiến sĩ Dennis Mpairwe ở khoa Nông Nghiệp của Đại học Makerere, cũng là tác giả của bản báo cáo cho hay, các hoạt động của con người đã đang dẫn tới sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường dẫn đến việc sâu bọ phải tìm kiếm bất cứ thứ gì ăn được trên đường đi. Sự biến mất của thảm thực vật mô tả một sự suy thoái môi trường ở mức độ cao. Nó cũng do việc lạm dụng đất và sự quản lý kém. Sự tích tụ vượt hạn và việc đốt than củi cũng là một nguyên nhân.

Mpairwe cũng nói thêm: “Việc chăn nuôi gia súc sẽ kích thích đồng cỏ phát triển. Nhưng nếu thời tiết khô hạn thường xuyên sẽ dẫn đến suy thoái môi trường”.