Con người mắc kẹt với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Khi phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên, đôi khi con người không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số người thậm chí không thể làm được điều đó. Họ phải ở lại với những tàn tích sau thiên tai, hay nói cách khác là mắc kẹt với biến đổi khí hậu.

Lũ cuốn bay hết nhà cửa và tài sản của người dân ở Pakistan (Ảnh: WWF)
Lũ cuốn bay hết nhà cửa và tài sản của người dân ở Pakistan (Ảnh: WWF)

Các nhà khoa học dự đoán biến đổi khí hậu mang đến hàng loạt thiên tai, gây nên những thiệt hại nặng nề nhất đến những đối tượng vốn dĩ đã dễ bị tổn thương. Khi thiên tai xảy ra, họ thậm chí không có lựa chọn, không thể trốn chạy và trở thành “con tin khí hậu” trong khi người khác có thể tìm kiếm nơi an toàn hơn để sinh sống tạm thời hoặc ổn định. Điều này có thể xảy ra khi họ không có khả năng tài chính, không có mạng lưới xã hội, không có việc làm hoặc không thể xin thị thực tại nước khác.

Một ví dụ cho khái niệm “Dân cư bị mắc kẹt” (Trapped Population) là những cư dân của các quốc đảo nhỏ, nơi dễ dàng bị đại dương nhấn chìm. Người dân sống ở những khu vực này không có giải pháp đối mặt với các mối nguy hiểm và cũng không đủ nguồn lực để di chuyển ra khỏi hòn đảo.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, người dân địa phương vốn sống trong nghèo đói nay phải đối mặt với lũ lụt và xâm nhập mặn và không thể di cư đi nơi khác.

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua tại Quảng Ninh gây ra nhiều thiệt hại về người và của (Ảnh: phapluatgiaothong.vn)
Trận mưa lũ lịch sử vừa qua tại Quảng Ninh gây ra nhiều thiệt hại về người và của (Ảnh: phapluatgiaothong.vn)

Những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn trong phạm vi các quốc gia đang phát triển. Nước Mỹ cũng không nằm ngoài hiểm họa khi bị cơn bão Katrina càn quét và khiến hơn 20.000 người phải cư trú trong sân vận động Superdome New Orleans trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, rất khó phân biệt giữa những người mong muốn ở lại với những người thật sự không thể di dời. Do đó, các nhà quản lí nên tập trung hạn chế tình huống người dân có nhu cầu nhưng không thể di dời, chứ không phải khuyến khích người dân di cư khi họ không có nguyện vọng. Thông tin cần được cung cấp và cập nhật đầy đủ để người dân có thể lựa chọn đúng đắn.

Mặc dù hiệu quả của di cư vẫn còn là dấu chấm hỏi trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đây vẫn là một lựa chọn cần sự hỗ trợ trong một số tình huống nhất định như cộng đồng bị mắc kẹt.

Tại Châu Âu, vấn đề suy thoái môi trường và di cư đi song song với chiến lược của Liên minh châu Âu về thích ứng với biến đổi khí hậu được thông qua vào tháng 4 năm 2013, trong đó có đề cập đến nguy cơ người dân bị mắc kẹt và đề xuất các bước để giải quyết vấn đề này. Với bước tiến mới này, Liên minh châu Âu cần xem xét hỗ trợ các nước đang phải đối mặt với áp lực môi trường nhằm đánh giá xu hướng suy thoái và thiết lập những biện pháp phòng tránh nội bộ hoặc di cư quốc tế khi cần thiết.