Doanh nghiệp ngấm đòn biến đổi khí hậu

Giá trị doanh nghiệp có thể bị bốc hơi vì những hệ quả từ biến đổi khí hậu, vốn ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Ảnh: abcotvs.com

Các CEO quan tâm đến biến đổi khí hậu thường “trang trí” các tòa trụ sở của họ bằng những tấm pin năng lượng mặt trời và cũng triển khai những nỗ lực khác để làm giảm lượng phát thải khí carbon.

Gần đây, Volkswagen, một nhà sản xuất xe hạng sang của Đức, đã yêu cầu 40.000 nhà cung cấp của Hãng phải cắt giảm khí thải nhà kính nếu không muốn mất khách hàng.

Rủi ro biến đổi khí hậu đang gia tăng, đe dọa gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rủi ro thiệt hại tài sản doanh nghiệp do biến đổi khí hậu có thể lấy đi 2-3% tổng vốn hóa thị trường của hơn 11.000 doanh nghiệp niêm yết toàn cầu.

Một số công ty có thể mất đi gần 1/5 giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thấy được, hoặc phớt lờ nguy cơ ngày càng lớn này.

Thảm họa thiên nhiên làm gián đoạn các chuỗi cung ứng không phải là chuyện mới. Các doanh nghiệp đã phải đối phó với những trận lũ lụt, hạn hán, bão từ hàng trăm năm nay. Nhưng có 2 thứ đã thay đổi. Thứ nhất, các chuỗi cung ứng đã trở nên phức tạp và mang tính toàn cầu.

Hãy nhìn quy mô rộng khắp của Volkswagen với 40.000 nhà cung ứng là có thể hiểu được. Và khi các mối liên kết trong chuỗi cung ứng liên quan chặt chẽ với nhau thì lúc thảm họa xảy ra, mức độ thiệt hại cũng càng nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, trái đất nóng lên cũng làm cho thời tiết vốn dĩ khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới tăng lên một mức cao mới.

Vào năm 2017, Houston đã chứng kiến trận lũ kinh hoàng trong 500 năm lần thứ 3 chỉ trong chưa đầy 4 thập niên, California gánh chịu 5 trong số 20 trận hỏa hoạn tồi tệ nhất từ trước đến nay và tiểu lục địa Ấn Độ chìm trong nước nhiều ngày trời sau những trận mưa gió mùa như trút nước.

Đó là năm mà các công ty bảo hiểm đã trả tới 135 tỉ USD tiền bồi thường bảo hiểm. Và thêm 195 tỉ USD khác bị thiệt hại nhưng không được bồi thường bảo hiểm.

Các nhà máy điện thường chạy cầm chừng vì nước sông mà họ dùng để làm mát trở nên quá nóng.

Năm ngoái, tàu lưu thông trên sông Rhine (châu Âu), con đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới, đã mắc cạn do mực nước sông thấp vì lượng nước mưa không đủ.

Dù đã bắt đầu nhận thức được rủi ro từ biến đổi khí hậu nhưng các nhà quản lý rủi ro doanh nghiệp lại chưa đánh giá được đầy đủ mức độ nguy cơ của công ty mình trước một môi trường khí hậu đang thay đổi.

Vì không quen thuộc với các mô hình khí hậu sử dụng công nghệ tiên tiến nhất mà có thể giúp dự đoán trận thiên tai nào sắp tới có thể xảy ra, nên các nhà quản lý rủi ro quay lại dựa vào các công cụ cũ kỹ như bản đồ phân vùng lũ lụt, vốn không còn chính xác.

Cũng cần nói thêm, đa phần doanh nghiệp dường như không có động lực để tìm hiểu đến tận cùng những rủi ro biến đổi khí hậu.

Một phần là vì các thị trường có xu hướng trừng phạt, thay vì tưởng thưởng, những doanh nghiệp nào “trung thực” về những rủi ro không được nhận biết trước có thể xảy đến cho công ty mình. Một lý do khác là doanh nghiệp thay vì phải có trách nhiệm thông báo cho các cổ đông thì cảm thấy có vẻ an toàn hơn khi không nhắc gì đến rủi ro này.

Nhưng dù tiết lộ hay không tiết lộ thì rủi ro đó vẫn tồn tại. Và khi rủi ro thực sự xảy ra, doanh nghiệp cũng ăn không ít khổ, thậm chí có thể phá sản. PG&E, một công ty dịch vụ công ích ở bang California, Mỹ đã bị buộc phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản vào tháng 1 vừa qua sau khi các nhà bảo hiểm và các chủ nợ tháo chạy do lo ngại hãng này có thể mắc kẹt vào nghĩa vụ nợ hàng tỉ USD do các trận hỏa hoạn.

Những trường hợp như thế sẽ hiếm xảy ra hơn nếu các doanh nghiệp về mặt pháp lý bị buộc phải đưa ra đánh giá và công khai mức độ tổn thương của mình trước biến đổi khí hậu.

Một tổ chức quốc tế đã được lập nên bởi Financial Stability Board đã công bố các chỉ dẫn mang tính tự nguyện đối với các công ty đại chúng vào năm 2017.

Những điều này nên mang tính chất bắt buộc.

Thẳng thắn đối mặt với rủi ro biến đổi khí hậu và chủ động đề ra biện pháp phòng chống sẽ có lợi ích lớn trong dài hạn đối với doanh nghiệp.

Thích ứng với biến đổi khí hậu có thể là dựng lên các hàng rào chắn lũ xung quanh các nhà máy hoặc gia cố các mái kho hàng để chống chọi với những cơn gió mạnh. Các nhà bảo hiểm tính toán rằng 1 đồng USD chi vào những biện pháp này có thể tiết kiệm 5 đồng USD vào việc tái thiết.