Kẻ Gỗ: tạm qua những ngày “nóng”

ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, dư luận bàn tán nhiều đến vụ chặt phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Các cơ quan điều tra đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Các bên liên quan đều có những lý lẽ để giải thích cho hành động của mình nhưng họ chưa tìm được điểm chung trong suy nghĩ.

Chúng tôi về Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ( KBTTNKG) vào những ngày nắng như đổ lửa, cái nắng miền trung gay gắt rong ruổi trên những con đường đất cằn. Một bầu không khí oi bức, căng thẳng như chính những gì mà “người, đất và rừng” nơi đây đang trải qua. 
Con đường tẳt dẫn vào Kẻ Gỗ gồ ghề những hố và ụ đất. Trụ sở khu bảo tồn (tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) khá tĩnh lặng và bình yên, không ồn ào như những gì đang diễn ra trong lòng nó.  
Có rất nhiều luồng thông tin trái chiều xung quanh vụ rừng thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ – thuộc KBTTNKG – bị “chặt phá trái phép”. Các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và chỉ nay mai sẽ cho kết quả cuối cùng. Trong khi chờ đợi, chúng ta cùng lắng nghe tiếng nói của các bên xung quanh vụ việc này? 
Năm 2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý phê duỵệt chủ trương chuyển đổi 552 ha rừng nghèo tại tiểu khu 325A thuộc KBTTNKG do Sở NN&PTNT Hã Tĩnh đệ trình (theo công văn số 1407/NN-PTLG). Cũng bắt đầu từ đây, nhiều vấn đề trong quá trình chuyển đổi mục đích rừng, những mâu thuẫn giữa người dân địa phương với cán bộ khu bảo tồn và chính quyền đã nảy sinh.  

Dân khát đất  
Chúng tôi tìm đến những người dân tại thôn 5, xã Cẩm Thịnh. Cuộc sống bao bộn bề vẫn thế, nó trôi qua dường như bình lặng.

“Tâm sự” chung của mọi người đa phần đều là “khát”, vâng, họ khát đất, họ cần đất để sống, cho các thế hệ con cháu sau này.  
Ông Cao Văn Báu cho biết: rừng ở đây mà toàn người nơi khác đến khai thác, mình  thì chẳng có đất mà trồng, muốn cho con cháu có kế sinh nhai khỏi rời quê hương đi nơi khác làm ăn nhưng đất đâu được đến tay. Cũng theo lời kể của ông, trong suốt thời gian vừa qua xã Cẩm Hà, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn được coi như “cửa khẩu” vận chuyển gỗ khỏi rừng. Có lẽ tốc độ chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất quá nhanh và ồ ạt nên những chuyến xe qua “cửa khẩu” cũng tấp nập chẳng kém? 
Ông Nguyễn Hữu Ngụ cũng thể hiện một thái độ bất bình trước việc chặt phá rừng và phân chia đất rừng không tuân theo qui định của cán bộ KBT, hạt kiểm lâm Cẩm Xuyên cũng như chính quyền địa phương. Ông chỉ cho chúng tôi xem những lá đơn khiếu nại của dân cùng những tấm ảnh mà người dân đã chụp được khi hiện trường về những vụ chặt rừng để trồng keo lá tràm chưa “khô”.  

 Ông Nguyễn Hữu Ngụ trả lời phỏng vấn của ThienNhien.Net

Khi có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng từ phòng hộ sang rừng sản xuất thì phải có kế hoạch cụ thể, đúng qui định chứ không ai lại “cạo trọc” rừng nhanh như thế. Hơn nữa, sự phân chia đất đai không hợp lý, không đúng đối tượng? Cớ sao dân thì không có đất mà đất cho cán bộ ở đâu ra nhiều đến thế? Phải chăng chính sách của nhà nước đã không được coi nghiêm?  
Người dân nơi đây đang chờ kết quả điều tra và điều họ hy vọng nhất có lẽ là sự phân chia lại đất rừng giao khoán cũng như việc xử lý các cán bộ đã làm sai trái, bất quy tắc trong sự việc trên. 
Thời gian gần đây, đâu đâu cũng thấy nhắc tới đất đai, đúng là “tấc đất tấc vàng”. Ở khu vực đồng bằng, dân mất đất canh tác do phục vụ cho sự phát triển của các khu công nghiệp, kinh tế. Họ nhận một khoản tiền lớn, không nghề nghiệp, không trình độ, khi tiền hết cuộc sống của họ đi đâu về đâu? Kẻ Gỗ cũng vậy, dân không có đất làm ăn, bỏ xứ tha hương, đời sống bấp bênh. Những mâu thuẫn luôn đan xen mà chưa có lời giải và người dân vẫn nhấp nhỏm lo. 
Điều cuối cùng mà họ đang mong chờ chính là pháp luật, hy vọng pháp luật sẽ là tiếng nói chung dung hoà tốt lợi ích của các bên?       
Tiếng nói của cán bộ Khu bảo tồn  
Ngày 22/07/2007, ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tự Kỳ – người vừa nhậm chức Trưởng ban Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ vào đầu năm. 
Theo ông cho biết, đến thời điểm hiện tại có khoảng 500 hecta rừng đã được chuyển đổi sang trồng mới keo lá tràm phục vụ cho nhà máy giấy Băm Dăm và số rừng trồng mới này phát triển rất tốt.

Lý giải cho những câu hỏi xung quanh vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phân chia đất rừng, ông Kỳ giải thích: Việc chuyển đổi đất rừng nghèo thành rừng sản xuất là hợp lý, tăng thu nhập tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người dân và cán bộ. 
Ông phủ nhận việc một số cơ quan và báo chí cho rằng KBT chặt phá rừng bởi lẽ đa phần rừng được chặt có chất lượng gỗ kém (< 50m3/ha), thân gỗ bên trong bị rỗng do mối mọt và số lượng gỗ này KBT không nghiệm thu. Hơn nữa, điều đó đã được sự đồng ý của trên. 
Nhấn mạnh đến việc phân chia đất rừng, ông nói, nếu đứng trên quan điểm của chúng tôi mọi người cũng sẽ có một cái nhìn khác trong việc phân chia đất này. Trước năm 2006, khi chưa có con đường mòn vào trong rừng, việc đi lại vô cùng khó khăn và hầu như người dân nơi đây ( xã Cẩm Thịnh) không có điều kiện để nhận đất rừng chuyển đổi. Chúng tôi buộc phải giao đất, giao rừng cho những người có đủ khả năng (như công ty TNHH Ngọc Hải, một số cá nhân khác cùng 1 vài hộ trong xã) để khai thác, trồng mới rừng theo yêu cầu. 
Ông cũng thẳng thắn nhận khuyết điểm và trách nhiệm mà cán bộ KBT mắc phải trong khâu làm thủ tục hồ sơ giao đất rừng. Một số hồ sơ không tuân theo luật định mà ở dạng “trao tay”, một vài trường hợp chưa có sự chỉ đạo mà cán bộ kiểm lâm đã tự ý cho phép chặt phá rừng trước….Hiện nay thì toàn bộ khu vực vẫn trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt phục vụ cho công tác điều tra. 
Trao đổi với chúng tôi, ông đề cập nhiều đến chuyện dân tình “bức xúc”: Năm 2006, KBT bỏ ra gần 700 triệu xây dựng con đường mòn vào trong tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển thì đồng thời cũng là lúc dân tình “bùng phát” các vụ kiện cáo, đốt rừng đòi quyền lợi của mình.
Trước đó mấy hôm (khi  chúng tôi có mặt tại KBT), lực lượng kiểm lâm đã bắt được 2 người dân thuộc xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Xuyên) lén lún đốt củi lấy than gây cháy rừng nhưng may lực lượng kiểm lâm đã kịp thời dập tắt.

Chuyện kể của kiểm lâm 
Rong ruổi tiếp với cuộc hành trình của mình, chúng tôi rời trụ sở KBTTNKG lên đường vào tiểu khu 325A – tâm điểm của những ngày qua.

Theo chân anh kiểm lâm, chúng tôi vượt hơn 20km đường đất ghồ ghề, càng tiến sâu, con đuờng núi càng hiểm trở, khó đi hơn.

Quan sát hai bên đường đi, những cảnh tượng đối lập luôn đập vào mắt mọi người, những khoảnh rừng trọc ( do đã bị chặt và đốt ) xen lẫn những khoảnh rừng trồng keo xanh tốt. 

Rừng nơi đỉnh núi đã được chặt phá đợi trồng mới.

Những vụ cháy rừng bất ngờ liên tiếp xảy ra trong khu vực. Nguyên nhân của các vụ cháy cũng thật “đa dạng”: cháy rừng tự nhiên do thời gian vừa qua khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng của một đợt không khí nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày. Có những vụ cháy rừng do sự vô tình của người dân khi họ lén vào rừng lấy mật ong, củi…Nhưng đáng buồn hơn cả, có những vụ cháy rừng do người dân cố tình gây ra bởi mâu thuẫn với KBT, giữa những người có đất và không có đất rừng.  
“Chúng tôi đã rất vất vả với những vụ việc như thế này”, anh kiểm lâm nói. Một thoáng băn khoăn trong tiềm thức mỗi người, ý thức của người dân?  

 Rừng keo lá tràm được trồng mới phát triển rất tốt.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đã tới chốt trạm số 6 –  nơi mà cách đây hơn tháng được dư luận ví như “tâm bão”. Một mái nhà đơn sơ, tuyềnh toàng cho 9 người chung sống, họ là những kiểm lâm thay phiên nhau lên canh gác, trực chiến.  
“Không phải tất cả người ở đây đều là kiểm lâm đâu” anh nói. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, anh cuời bảo: “ Rừng rộng thế mà lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên KBT phải thuê thêm người đó. Trong lúc làm nhiệm vụ, nếu không may bị tai nạn hay lâm tặc tấn công chỉ những kiểm lâm “chính qui” mới được hưởng chính sách ưu đãi chứ mấy anh đó chẳng được chế độ gì đâu em”. 
Chúng tôi ngồi nghe các anh kể về những “cuộc chiến” với bọn lâm tặc, về những người đồng nghiệp đã bị đánh trọng thương trong lúc làm nhiệm vụ rồi về cuộc sống của các anh,…có cái gì đó nao lòng. Phải chăng chính cuộc sống khốn khó đó đã làm một số người sa ngã? Họ từng sống chết với rừng nhưng rồi cũng chính họ quay lưng lại với rừng? Họ cần một chính sách đãi ngộ tốt hơn? 

 Ngôi nhà đơn sơ trên chốt trạm số 6 dành cho kiểm lâm.

Không thể tiếp tục tiến vào sâu hơn, trời đã quá muộn, chúng tôi chào mọi người ra về mà có gì đó nghẹn ngào. Nếu bạn được chứng kiến cuộc sống đó, nếu bạn gặp và tiếp xúc với họ – những kiểm lâm nơi rừng sâu này, bạn sẽ hiểu được, không phải tất cả đều tha hoá về đạo đức và cuộc sống như thế này cũng không dễ gì nhiều người chịu đựng được.

Chúng tôi rời Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ vào một buổi chiều nắng, hình ảnh cuối cùng tôi chứng kiến là cảnh nhân viên khu bảo tồn đang vận chuyển cây cảnh trước văn phòng ban quản lý để thay thế bằng hòn non bộ. Chúng tôi thấy lạ nên hỏi và được biết “ Từ hồi để cây này được đặt làm cảnh trước sân, KBT toàn gặp chuyện không hay” và họ đã quyết định “di dời” cây để tìm lại sự bình yên. Dĩ nhiên, bình yên là cần thiết, nhưng không chỉ cho ban quản lý khu bảo tồn mà cho cả người dân và những cánh rừng kia.

 Gỗ rừng sau khi được chặt và đốt (để lấy đất trồng keo lá tràm) đã được người dân lấy về. (Ảnh chụp tại thôn 5, xã Cẩm Thịnh)