Đối thoại Thái Lan – Trung Quốc về Mê Kông

ThienNhien.Net – Liên minh Cứu sông Mê Kông (Save The Mekong), tập hợp các tổ chức môi trường và cộng đồng ven sông tại Thái Lan chuyên giám sát những biến đổi sinh thái trên sông Mê Kông, đã lên tiếng đề nghị chính phủ của họ đối thoại với chính quyền Bắc Kinh về vấn đề kiểm soát nguồn nước sông Mê Kông.


Tin từ Cục Thuỷ lợi Thái Lan cho biết lưu lượng nước sông chảy qua các tỉnh Loei, Nong Khai và Nakhon Phanom đã thấp tới mức báo động. Theo Peerasak Intayos, thành viên nhóm bảo tồn thiên nhiên Chiềng Rai, Thái Lan mực nước sông đã giảm xuống rõ rệt trong những ngày gần đây gây thiệt hại cho tuyến du lịch đường sông từ ChiangRai, Thái Lan tới Luang Phrabang, Lào.

Liên minh Cứu sông Mê Kông cho rằng tình trạng hạ thấp mực nước sông Mê Kông tại Thái Lan kéo dài trong thời gian qua là do việc tích nước của các công trình thủy điện Trung Quốc. Nhiều cộng đồng dân cư đã bị ảnh hưởng kể từ khi đập Mạn Loan của Trung Quốc vận hành năm 1993.

Cho đến nay ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng bốn đập thuỷ điện lớn. Công trình gần đây nhất được khánh thành hồi tháng 10 năm ngoái là đập Tiểu Loan, đập đa vòm lớn thứ tư thế giới và thứ hai Trung Quốc, chỉ sau đập Tam Hiệp.

Pianporn Deetes, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Đông Nam Á tại Thái Lan cho rằng chính phủ cần phải đứng ra chủ trì cuộc đối thoại với Bắc Kinh.

Nguyện vọng của các nhóm môi trường Thái Lan là buộc chính quyền Trung Quốc công khai mực nước tại các hồ chứa thuỷ điện tại thượng nguồn sông Mê Kông để có cơ sở chính xác kết luận liệu việc tích nước hồ thuỷ điện này có phải là nguyên nhân gây tình trạng sụt giảm mực nước sông nêu trên hay không. Họ cũng thúc đẩy chính phủ Thái Lan tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ cuộc sống của dân cư sinh sống trong lưu vực.