Tây Nguyên trong “cơn sốt” hồ tiêu

ThienNhien.Net – Giá hồ tiêu đứng ở mức cao trong mấy năm qua, khiến nhiều nông dân các tỉnh Tây Nguyên đua nhau trồng loại cây này. Nhiều hộ nông dân ở đã phá bỏ những vườn cà phê, cao su để lấy đất trồng tiêu. Thậm chí có những hộ còn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để mở rộng diện tích hồ tiêu bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Người dân trồng tiêu trên chính gốc cây cao su
Người dân trồng tiêu trên chính gốc cây cao su

Giàu-nghèo cũng vì tiêu

Với mức lợi nhuận vượt trội hơn các loại cây như cao su, cà phê…, do đó nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chặt bỏ toàn bộ vườn cây mang hiệu quả kinh tế thấp, để lấy đất trồng tiêu. Như gia đình ông Nguyễn Thành Trung, là một trong những hộ dân đầu tiên tại huyện Đắk Song áp dụng sản xuất hồ tiêu bền vững.

Trong khi nhiều nông dân sử dụng xi măng và cây rừng làm trụ tiêu, thì ông Trung lại đầu tư một khoản tiền khá lớn đi Úc để mua giống cây Hông về để bắt tay vào trồng hồ tiêu. Với 8ha tiêu kinh doanh, thu nhập hơn 5 tỷ đồng/năm ông trở thành hộ dân khá giả nhất trong vùng.

Ông Trung cho biết, phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững, đa dạng sinh học thì chậm nhưng mà chắc, còn trồng tiêu bằng trụ chết thì chậm thu gần một năm và năng suất cũng thấp hơn.

Cũng từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ cây hồ tiêu, ông Nguyễn Thanh Hải, huyện Đắk Song đã thay diên tích cà phê bằng hồ tiêu trên diện rộng. Đến nay ngôi nhà khang trang hơn hẳn với các thiết bị đầy đủ tiện nghi có trị giá nhiều tỷ đồng. Hiện nay, ông Hải đã có trong tay khoảng 22ha, với sản lượng 4 tấn/1ha, mỗi năm cho thu nhập hơn 9 tỷ đồng.

Ông Hải cho biết cây hồ tiêu dễ trồng nhưng lại rất khó chăm sóc, nhất là dễ lây bệnh từ phân bón và thuốc hóa học không đảm bảo.

Nhiều hộ dân từ hai bàn tay trắng đã trở thành những hộ khá giả có tiếng về trồng tiêu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc người dân tự mở rộng diện tích, chạy theo giá trị thị trường của cây hồ tiêu sẽ gây nên những rủi ro khó lường.

Như hộ ông Nguyễn Hồng Sơn, ở thôn 2A, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk có vườn tiêu hơn hai nghìn trụ, hằng năm, thu khoảng 10 tấn hạt tiêu. Thế nhưng hơn một năm nay, hơn một nửa vườn tiêu của gia đình ông bỗng dưng héo lá rồi chết khô dần. Tính cả thiệt hại do giảm sản lượng, ông Sơn đã mất gần hai tỷ đồng tiền công đầu tư cứu vườn tiêu.

Ông Sơn chỉ là một trong số hàng trăn hộ nông dân trên vùng Tây Nguyên đang phải đau đầu với tình trạng cây tiêu bị nhiễm bệnh chết và lâm vào con đường nợ nần khi “đánh bạc” với cây tiêu.

Muôn ngàn nỗi lo 

Theo quy hoạch phát triển, thì đến năm 2020 tỉnh Đắk Nông chỉ có 8 nghìn ha hồ tiêu. Tuy nhiên, đến nay thì con số này đã bị vượt khá xa, trong đó có gần một nửa diện tích là trồng mới tập trung tại các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức. Đáng nói là nông dân không chỉ trồng trên những vùng đất mới, trồng xen canh vào các loại cây trồng mà còn phá bỏ cây cà phê, cao su để trồng tiêu, thẩm chí còn sự dụng chính cây cao su đang phát triển để làm trụ tiêu.

Như anh Hồ Dũng tại huyện Đắk R’lấp đã chuyển toàn bộ diện 4 ha cao su của gia đình sang trồng tiêu và sử dụng gốc cây cao su để làm trụ. Anh Dũng nói: “Thấy người ta làm mình cũng làm theo. Thôi thì được ăn cả, ngả về không chứ biết đâu được mà tính toán”.

Tại huyện Đắk R’lấp tổng số diện tích cao su chuyển đổi sang trồng tiêu trên toàn huyện đã có khoảng 500ha, trong đó cao su già cỗi  năng suất thấp chiếm 30%, số còn lại là cao su trong thời kỳ kinh doanh hoặc chưa khai thác. Dù đã khuyến cáo bà con chỉ chuyển đổi trên diện tích cao su già cỗi, nhưng với giá hồ tiêu cao ngất ngưởng như hiện nay, nông dân vẫn ồ ạt trồng tiêu, bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Điểm nóng như tại thị xã Gia Nghĩa, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có hơn 129 ha rừng tự nhiên bị tàn phá, trong đó chủ yếu là để chiếm đất trồng hồ tiêu. Tương tự, ở huyện Đắk song cũng có khoảng 20 ha rừng tự nhiên chóng bị thay thế bằng hồ tiêu.

Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: “ Sở đã khuyến cáo bà con chỉ phát triển trong vùng quy hoạch, tập trung thâm canh tăng năng suất, phát triển theo hướng đa dạng sinh học thì cây tiêu mới bền vững. Tuy nhiên, bất chấp quy hoạch và chạy theo lợi nhuận trước mắt nông dân vẫn chuyển đổi loại cây trồng này. Giá hồ tiêu ngày một tăng cao, những rủi ro hiện hữu người dân vẫn không thể lường trước được, trong khi đó nạn dịch bệnh vẫn đang hoành hành đối với hồ tiêu gây thiệt hại lớn cho chính người nông dân”.

Ông Trang Quang Thành – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đắk Lắk là một trong 7 tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất nước. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh là 15.000 ha, nhưng đến nay, diện tích đã tăng hơn 16.000 ha. Đó là con số thống kê được, còn thực tế có thể lớn hơn nhiều”.

Theo số liệu thống kê của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên thì trong 3 năm gần đây toàn vùng Tây Nguyên diện tích Hồ tiêu đã tăng 20.000 ha. Ở một số địa phương việc người dân ồ ạt trồng tiêu trên các loại đất, kể cả những nơi không phù hợp hoặc chưa được xử lý tuyến trùng hại rễ… sau vài năm trồng, cây tiêu mới đổ bệnh, lây lan rất nhanh, có thể chết hàng loạt.

Trước cơn sốt về hồ tiêu, các ngành chức năng cần có biện pháp hữu hiệu khuyến cáo bà con không nên phá bỏ cà phê, cao su chạy theo phát triển cây tiêu ồ ạt.