Rừng thông Ngân Sơn bị xâm hại do nạn khai thác nhựa

ThienNhien.Net – Diện tích rừng thông ở huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) có hơn bốn nghìn ha dưới 20 năm tuổi, là khối tài sản lớn, nhưng đang bị xâm hại bởi tình trạng trích nhựa khi chưa đủ tuổi. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ lợi ích trước mắt của nhân dân. Ngăn chặn tình trạng này đang gặp khó khăn.

Huyện Ngân Sơn có địa hình rộng, chủ yếu là đồi núi, dốc cao, đất bạc màu, mùa đông nhiệt độ xuống thấp kèm theo sương muối nên chỉ thích hợp với cây thông để phủ xanh đất trống đồi trọc.

Những năm trước đây, thực hiện các Chương trình 327, PAM, 661, huyện Ngân Sơn đã trồng được hơn bốn nghìn ha rừng thông. Năm năm gần đây, thực hiện Chương trình 147, mỗi năm huyện trồng được khoảng một nghìn ha rừng thông. Nhờ đó, đất trống, đồi núi trọc lốc ở các xã Đức Vân, Bằng Vân, Thượng Ân, Cốc Đán… hiện nay đã được phủ xanh.

Năm năm qua, mỗi năm huyện Ngân Sơn trồng được một nghìn ha thông (Ảnh: Thế Bình/Nhân Dân)
Năm năm qua, mỗi năm huyện Ngân Sơn trồng được một nghìn ha thông (Ảnh: Thế Bình/Nhân Dân)

Gỗ thông đủ tuổi, từ 25 năm trở lên mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi m3 có giá gần hai triệu đồng, một ha rừng thông có sản lượng gỗ hơn 100 m3. Tuy nhiên, chất lượng rừng thông trên địa bàn đang bị suy giảm, thậm chí nhiều vạt rừng sẽ chết vì bị khai thác nhựa khi chưa đến tuổi.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Hoàng Văn Hải cho biết: “Cây thông từ 25 năm trở lên thì mới trưởng thành, đủ điều kiện cho khai thác nhựa. Nhưng thực tế, những năm gần đây, rừng thông bảy, tám năm tuổi là nhân dân địa phương đã khai thác nhựa, làm cho cây không sinh trưởng, phát triển được, thậm chí cây thông sẽ chết. Điều đó, làm cho mục tiêu trồng rừng là hiệu quả kinh tế không đạt được”.

Hầu hết diện tích rừng thông trên địa bàn huyện Ngân Sơn đều dưới 20 năm tuổi, về nguyên tắc là chưa được khai thác nhựa. Nhưng thời gian qua, giá nhựa thông lên đến 45 nghìn đồng/kg, đời sống nhân dân khó khăn nên việc khai thác nhựa thông từ bảy, tám năm tuổi trở lên diễn ra phổ biến, khai thác không đúng kỹ thuật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng rừng thông.

Báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ngân Sơn cho biết: Ngân Sơn có 2.600 ha rừng thông dưới 20 tuổi đã và đang bị xâm hại bởi tình trạng khai thác nhựa không đúng quy trình, không đúng kỹ thuật.

Trước tình hình rừng thông chưa đến tuổi bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng, Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn đã đề nghị và Ban Chỉ đạo các vấn đề cấp bách về quản lý, bảo vệ rừng tỉnh yêu cầu UBND huyện Ngân Sơn không cấp phép khai thác tỉa thưa thông nhằm ngăn chặn lợi dụng giấy phép để khai thác nhựa.

UBND huyện Ngân Sơn thành lập tổ tuần tra, truy quét bao gồm kiểm lâm, công an, chính quyền các xã vào cuộc ngăn chặn khai thác nhựa thông; tuyên truyền, vận động nhân dân tháo dỡ lán trại, dụng cụ đựng nhựa tại các cây thông; đến từng gia đình vận động nhân dân ký cam kết không khai thác nhựa. Đồng thời, xử lý tình trạng thu gom, vận chuyển, buôn bán nhựa thông. Thời gian qua, UBND tỉnh và UBND huyện Ngân Sơn đã tịch thu 24 tấn nhựa thông, xử phạt vi phạm hành chính hành chính hơn 300 triệu đồng. Do thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn nên ba tháng gần đây tình trạng khai thác nhựa thông đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, ông Hải nhận định: “Thời gian tới đây, việc khai thác nhựa thông trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp. Vì quy định của luật pháp chưa chặt chẽ nên việc xử lý đang gặp khó khăn. Đặc biệt là địa hình rộng, hiểm trở, đời sống nhân dân khó khăn, chưa nhận thức đúng tác hại việc khai thác nhựa khi cây thông chưa trưởng thành, giá bán lên cao thì khai thác nhựa trên diện rộng lại diễn ra”.

Bên cạnh chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý việc khai thác nhựa thông, ông Hải đề nghị chính quyền cơ sở, ban quản lý và phát triển rừng từ thôn đến xã tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức cho nhân dân về tác hại của khai thác nhựa khi chưa đến tuổi.