Vườn Phong Nha nhận bằng di sản về đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vốn được thừa nhận có mức độ đa dạng sinh học thuộc hàng cao nhất hành tinh và tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2.

Bà Katherine Muller Marin trao Bằng công nhận Di sản thiên thiên thế giới lần 2 cho VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bà Katherine Muller Marin trao Bằng công nhận Di sản thiên thiên thế giới lần 2 cho VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tối 14/8, tại TP. Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức UNESCO ghi danh VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2; và khai mạc Lễ hội Hang động Quảng Bình năm 2015 với chủ đề “Quảng Bình – vương quốc hang động”.

Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marin, đại diện Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cùng chính quyền và đông đảo người dân tỉnh Quảng Bình.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ đón nhận Bằng Di sản thiên nhiên thế giới lần 2.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ đón nhận Bằng Di sản thiên nhiên thế giới lần 2.

Cách đây 12 năm (5/7/2003), VQG Phong Nha – Kẻ Bàng từng được UESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về tiêu chí địa chất, địa mạo. Đến 3/7 vừa qua, “vương quốc hang động” này tiếp tục được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 về tiêu chí đa dạng sinh học với 2 đặc điểm nổi bật toàn cầu là “đại diện cho quá trình tiến hóa, phát triển của các hệ sinh thái trên cạn và sở hữu môi trường sống tự nhiên tiêu biểu về đa dạng sinh học”.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ niềm vui, niềm tự hào tới đồng bào và bạn bè quốc tế, biểu dương tinh thần của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã rất tích cực trong việc giữ gìn và bảo vệ di sản, đặc biệt là đã biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch bền vững. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Quảng Bình tiếp tục giữ gìn và phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học.

Đối với UNESCO, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng đề nghị và tỏ lòng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của UNESCO và các tổ chức, bạn bè quốc tế đối với công tác bảo vệ, phát triển bền vững Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tại lễ đón nhận, bà Katherine Muller Marin – Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tiếp tục khẳng định tiêu chí trên và đánh giá rất cao những giá trị mà Phong Nha – Kẻ Bàng đang có được. Bà cũng thay mặt UNESCO gửi lời chúc mừng Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng và cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các nhà quản lí của khu du lịch để Phong Nha – Kẻ Bàng luôn là điểm đến hấp dẫn và thú vị nhất.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhiều lần khẳng định ràng: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các VQG và khu dự trữ sinh quyển trên thế giới.

Một góc Phong Nha - Kẻ Bàng.
Một góc Phong Nha – Kẻ Bàng.

Theo thống kê của Ban quản lý vườn này, thực vật trên núi đá vôi là dạng thực vật điển hình của Phong Nha – Kẻ Bàng. Rừng nhiệt đới ở đây thường thường xanh, ẩm, rậm cao 800m so với mặt biển, tỷ lệ che phủ đến 96,2%, rừng nguyên sinh chiếm đến 92,2%. Cho đến nay, giới nghiên cứu đã xác định sự có mặt của 2.935 loài thực vật, bao gồm 201 họ, 972 chi, 6 ngành. Về hệ động vật, đây là nơi cư trú của 138 loài thú (bao gồm cả dơi) thuộc 32 họ và 11 bộ. Nổi bật lên trong vườn này là các loài tên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng rất cao như hổ, bò tót và linh trưởng.

Giới nghiên cứu cũng đã xác định được 212 loài cá, thuộc 107 giống, 38 họ và 10 bộ. Nơi đây cũng tồn tại 460 loài động vật không xương sống thuộc 7 lớp, 22 bộ; 303 loài chim. Thêm nhiều loài động thực vật mới được phát hiện càng thêm lần nữa khẳng định mức độ đa dạng sinh học hiếm có, đồ sộ của vườn này.

Trao đổi với PLVN, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết: “Nhiều loài động, thực vật mới phát hiện vừa qua sẽ được nghiên cứu sâu hơn nữa. Và nay, vườn chúng tôi vẫn ẩn chứa rất nhiều loài, nhiều hiện tượng, nhiều cấu trúc bí hiểm chưa được biết đến và đang chờ đợi sự khám phá của con người…”