ThienNhien.Net – Ngày 30/7, ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ thuộc Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, bắt đầu từ hôm nay đến cuối tháng 9, tiến hành chạy thử nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ thuộc dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ; hết thời gian chạy thử nhà thầu sẽ bàn giao cho Ban quản lý để điều hành và đi vào sản xuất.
Nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ được xây dựng trên khu mỏ với diện tích 65ha, có tổng sản lượng quặng khoảng 60 triệu tấn, đủ cung cấp quặng cho nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ sản xuất trong 30 năm.
Nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng; nhà máy tuyển quặng Bauxite có công suất hơn 1,8 triệu tấn quặng tinh/năm do Vinacomin làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 15/9/2013.
Liên danh nhà tổng thầu công trình bao gồm 4 đơn vị là Công ty cổ phần Chế tạo máy và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường thuộc Vinacomin; Viện Nghiên cứu Cơ khí và Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Công Thương.
Đơn vị giám sát là Công ty quản lý dự án Vina thuộc Vinacomin. Toàn bộ công tác thiết kế, thi công và giám sát của nhà máy này đều do các đơn vị trong nước thực hiện.
Nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ gồm 2 hạng mục chính là nhà máy tuyển quặng và băng tải vận chuyển.
Nhà máy tuyển quặng gồm 2 dây chuyền với công suất khoảng 250 tấn/giờ. Hệ thống băng chuyền dài khoảng 5km, được xây dựng theo dạng ống bao bọc bên ngoài là lớn tôn vững chắc, đảm bảo khi vận chuyển quặng về nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ không gây ô nhiễm về không khí và tiếng ồn.
Ngoài ra, nhà máy này còn có 2 bể lắng, khi nước rửa quặng được lắng ở 2 bể này thì 80% lượng nước được tái sử dụng, 20% lượng nước còn lại ở trong đất được chuyển đến hồ chứa khác.
Mỗi năm, nhà máy này sử dụng khoảng 8 triệu m3 nước lấy từ hồ thủy lợi Cầu Tư; đây là công trình thủy lợi mới được nâng cấp, có trữ lượng khoảng 10 triệu m3.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy này giải quyết công việc làm cho 150 lao động, chủ yếu là người dân địa phương, trong đó có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.