Xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất ven biển làm hồ nuôi tôm ở Phú Yên

ThienNhien.Net – Tình trạng lấn chiếm đất ven biển, trong đó có cả việc chặt phá rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm trái phép diễn ra khá phổ biến tại các huyện, thị, thành phố ven biển Phú Yên. Sự thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm khiến cho những vi phạm về đất đai loại này ngày càng tăng, diễn biến phức tạp.

Người dân xã An Ninh Đông tự ý đốn hạ hàng trăm cây phi lao để đóng cọc chung quanh bờ bao các hồ tôm (Ảnh: Trình Kế/Nhân Dân)
Người dân xã An Ninh Đông tự ý đốn hạ hàng trăm cây phi lao để đóng cọc chung quanh bờ bao các hồ tôm (Ảnh: Trình Kế/Nhân Dân)

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Theo quan sát của chúng tôi dọc trục đường ven biển, đoạn qua thôn Phú Sơn và Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, có 54 hồ nuôi tôm, trong đó 48 hồ sử dụng đất sai mục đích hoặc trái phép (mỗi hồ có diện tích khoảng 5.000 m2). Bên trong rừng, hàng chục cây phi lao từ 20 đến 30 năm tuổi mới bị người dân cưa hạ, gốc còn rỉ nhựa, làm cọc đóng chung quanh bờ bao các hồ nuôi tôm cao triều, mà người dân thường gọi là hồ nổi.

Theo ông Nguyễn Chung Chánh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, việc người dân chặt phi lao là vi phạm. Tuy nhiên, do kinh phí tổ chức tuần tra còn hạn chế nên việc bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Cũng theo ông Chánh, tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm diễn ra ở nhiều địa phương trong huyện. Rộ nhất là trong hai năm (2011 – 2012), do vậy UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo chính quyền huyện và xã kiểm tra, xử lý hành chính, buộc phải khôi phục diện tích rừng như nguyên trạng ban đầu 48 trường hợp với diện tích hơn 41.000 m2. Huyện ủy Tuy An cũng đã kỷ luật hai tập thể chi ủy thôn Phú Sơn và Phú Lương, xã An Ninh Đông và sáu cán bộ xã, huyện. Tuy nhiên đến nay phần lớn việc khôi phục rừng chưa được thực hiện. Theo tính toán, mỗi hồ nuôi tôm rộng ít nhất 4.000 m2, bờ cao hơn một mét. Vì vậy, muốn trả lại nguyên trạng, mỗi hồ cần ít nhất 4.000 m3 cát, chi phí rất tốn kém. Trong khi đó, mặc dù khu vực rừng phòng hộ có cát, nhưng không thể lấy để san lấp vì sẽ tiếp tục vi phạm.

Tại xã An Mỹ của huyện Tuy An có chín trường hợp tự san ủi đất làm hồ nuôi tôm trái phép ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất thuộc thôn Giai Sơn, với diện tích hơn 15.950 m2. UBND xã và huyện đã xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế nhưng các hộ nêu trên không chấp hành. Một số hộ dân ở xã An Chấn gồm Huỳnh Xuân Sỹ, Nguyễn Thị Kim Mai, Huỳnh Tấn Trọng và Lại Thành Hướng đã lấn, chiếm đất trái phép với diện tích 9.628 m2, nhưng UBND xã không kiểm tra xử lý theo thẩm quyền.

Tương tự, tại huyện Đông Hòa, đến cuối năm 2013 có 101 hồ nuôi tôm trái phép, với tổng diện tích khoảng 65 ha. Ngoài ra, từ đầu năm 2014 đến tháng 1-2015, một số hộ dân tiếp tục lấn chiếm rừng phòng hộ, với diện tích khoảng 9,75 ha. Bị lấn chiếm nhiều nhất là khu vực sông Ngọn, xã Hòa Hiệp Nam, mặc dù tại đây không quy hoạch nuôi tôm. Xã Hòa Hiệp Bắc có 14,82 ha diện tích đìa tôm lấn chiếm không được quy hoạch. Thậm chí có sáu trường hợp làm hồ nuôi tôm trên đất quy hoạch làm đường gom và vỉa hè đường Hùng Vương nối dài, với diện tích 172,5 m2..

Quyết thu hồi đất lấn chiếm

Trước thực trạng nêu trên, tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành kiểm tra, xử lý. Qua đó phát hiện tổng diện tích đất bị lấn chiếm, chủ yếu là đất rừng phòng hộ ven biển, lên gần 543.000 m2 (54,3 ha). Trong đó lấn chiếm trái phép 34 ha; sử dụng đất không đúng mục đích 17,13 ha; UBND cấp xã cho thuê đất không đúng thẩm quyền 3,17 ha…

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự đã có kết luận yêu cầu huyện Đông Hòa thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Đồng thời giao Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa chỉ đạo làm rõ việc UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung thu hơn 352 triệu đồng của 11 hộ gia đình, cá nhân, sử dụng vào mục đích gì?

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các phường 6, Phú Đông, Phú Thạnh, TP Tuy Hòa chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê đất làm hồ nuôi tôm không đúng thẩm quyền. UBND các xã An Mỹ, An Chấn, An Ninh Đông và An Ninh Tây kiên quyết xử lý và tổ chức cưỡng chế các trường hợp mà Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện Tuy An đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai nhưng đến nay vẫn không chấp hành.

Đồng thời UBND tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục xử lý các trường hợp lấn chiếm theo thẩm quyền; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn và những cá nhân có liên quan do buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm theo đúng pháp luật.