Khai thác khoáng sản: Vật vã tìm lối thoát

ThienNhien.Net – Làm nhiều lỗ nhiều, làm ít lỗ ít và không làm… cũng lỗ, đang là một thực tế đối với nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay. Nhiều DN đã lên tiếng kêu cứu, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng ngày “cam lai” để phục hồi cho ngành này đang được coi là khó đoán định.

Sở dĩ như vậy là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là do giá các kim loại trên thị trường quốc tế liên tục lập đáy mới. Thêm nữa, từ trước đến nay, đối tác tiêu thụ các loại quặng thô hoặc chế biến sơ của các DN Việt Nam đa phần là đối tác Trung Quốc. Gần đây nhu cầu tiêu thụ quặng kim loại của nước này giảm mạnh đã dẫn tới doanh thu và lợi nhuận của DN nước ta giảm mạnh.

Trong các tỉnh phía Bắc, trước đây Hà Giang vốn được coi là địa phương có thế mạnh về lĩnh vực này cùng sự ra đời và làm ăn thịnh vượng của nhiều DN. Nhưng đấy là câu chuyện của đôi ba năm về trước, còn giờ đây, DN nào cũng méo mặt kêu khó, kêu nợ. Những DN có máu mặt một thời như Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Bách, Công ty CP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang, Công ty TNHH Thái Dương, Ban Mai, Giang Sơn… giờ đây đang đứng trước những khó khăn và đã phải làm đơn kiến nghị sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, trong đó quan trọng nhất là việc giảm thuế tài nguyên.

Đơn cử như Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang liên tục bị tác động bởi giá các kim loại trên thế giới tụt dốc không phanh. Từ một DN được coi là có tuổi và đàn anh, với những khoản đóng nộp lớn thì lợi nhuận quí 1 vừa qua của công ty này chỉ còn 6 tỉ đồng. Theo ông Phạm Công Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm, Chủ tịch Hội DN tỉnh thì hiện nay các DN khai thác khoáng sản đang thua lỗ. Làm nhiều lỗ nhiều, làm ít lỗ ít, không làm cũng mất tiền là thực trạng của các DN khai thác khoáng sản hiện nay của Hà Giang.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Không chỉ riêng Hà Giang, các DN tên tuổi một thời ở vùng núi phía Bắc khác hiện nay cũng đang dở khóc, dở cười. Tiêu biểu nhất phải kể đến như Công ty CP khoáng sản Na Rì Hamico, Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn, Công ty CP Khoáng sản Hòa Bình… lợi nhuận ròng chỉ vài trăm triệu đồng/năm hoặc thua lỗ, hòa vốn.

Công ty CP Khoáng sản Bình Định là anh cả trong lĩnh vực khai thác, xuất khẩu titan. Đã có thời Công ty là DN đình đám trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, bước vào kì tụt đáy này, hiện nay Công ty đang đối mặt với những khó khăn nhất. Hiện Công ty này cũng đang “vật vã” để kiếm tìm lợi nhuận. Quí 1/2015 lợi nhuận sau thuế của Công ty từ chỗ ngất ngưởng thì nay chỉ còn 1,9 tỉ đồng, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trước nay, Công ty này luôn được coi là thích nghi và có sự đối phó với thị trường. Từ khai thác và bán sản phẩm thô, Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định đã nhanh chóng thích ứng với chính sách hạn chế xuất khẩu quặng thô của Nhà nước bằng cách chuyển sang đầu tư công nghệ chế biến sâu sản xuất xỉ titan. Tuy nhiên đến nay, do thuế tài nguyên đối với titan từ tăng lên, từ 11% lên 16% năm cùng các tác động khác mà chỉ tiêu lợi nhuận ròng 14 tỉ đồng, bằng hai phần ba năm ngoái được đưa ra nhưng khả năng cũng khó đạt được.

Bên cạnh đó, vấn đề khó khăn về lợi nhuận mà các DN khai thác khoáng sản, nhất là các DN nhỏ hiện nay gặp phải là do không kịp đổi mới. Với tư duy ăn xổi, làm ăn theo kiểu chụp giựt nên nhiều DN đã không thích ứng được và phải tìm hướng sống đấy là bán quặng cho DN lớn trong nước để thu hồi vốn. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không thực sự dễ dàng vì ngoài giá thì quy định về thủ tục vẫn là cái khó nhất.

Chia sẻ về thủ tục phức tạp, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, kể lại ví dụ như tại thời điểm năm 2009, Tập đoàn Hòa Phát mua 200.000 tấn quặng ở Cao Bằng. Nhưng để khoáng sản ra được khỏi địa phương thì Tập đoàn phải mất 10 tháng với đủ các loại giấy tờ, văn bản. Mất thời gian về hoàn thiện thủ tục như vậy, nhưng Tập đoàn này cũng chỉ vận chuyển được 100.000 tấn quặng ra khỏi địa bàn Cao Bằng. Ông Cường cho biết thêm: Phần lớn các mỏ khoáng sản đều nằm ở những tỉnh miền núi. Nếu vận chuyển quặng về các cơ sở chế biến ở dưới xuôi thì chi phí vận chuyển bị đội lên rất nhiều, thậm chí cao hơn cả giá thành khai thác quặng. Vì thế, chuyện bán quặng ở trong nước cũng không đơn giản chút nào.

Ông Đặng Xuân Minh – chuyên viên thẩm định thuộc Công ty CP Thẩm định giá Bộ Tài chính cho rằng: Cấm xuất khẩu khoáng sản thô là một chính sách đúng đắn của Nhà nước nhằm hạn chế việc thất thoát, lãng phí tài nguyên của quốc gia. Bên cạnh việc cấm xuất khẩu khoáng sản thô, Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010 cũng hướng tới việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước quy định này, đổi mới và nâng cao công nghệ chế biến khoáng sản là bắt buộc và mang ý nghĩa sống còn với các DN. Trong cuộc chơi này, những DN nhỏ, hoạt động theo tư duy ăn xổi, ở thì, không có sự đầu tư vào chế biến sâu để phục vụ xuất khẩu thì việc bị ép giá hoặc thậm chí không bán được quặng là điều có thể dự đoán được. Và đây sẽ là cơ hội để những công ty khai khoáng lớn thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn, nhưng lại nắm trong tay các mỏ tài nguyên chất lượng cao.

Theo các chuyên gia khoáng sản, hệ thống văn bản pháp lý về quản lý khoáng sản đã ngày một thắt chặt việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản với nhiều hạn chế, thậm chí là tình trạng “chảy máu khoáng sản” của thời gian trước đây. Để thoát khỏi tình cảnh khó khăn như hiện nay đòi hỏi DN khoáng sản cần đầu tư công nghệ để khai thác chuyên nghiệp hơn, hoặc là chuyển nhượng mỏ cho DN lớn hơn- không còn cách nào khác.