Người dân vây Nhà máy Sô đa Chu Lai

ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, sau khi nhận được thông tin hàng trăm người dân vây kín Công ty cổ phần sản xuất Sô đa Chu Lai để phản ứng về tình trạng ô nhiễm, xã đã phối hợp với lực lượng công an lập biên bản vụ việc và đã gửi báo cáo lên huyện đề nghị có biện pháp xử lý.

Người dân tụ tập quanh Nhà máy Sô đa để phản ứng về tình trạng ô nhiễm
Người dân tụ tập quanh Nhà máy Sô đa để phản ứng về tình trạng ô nhiễm…

Đến thời điểm cuối ngày 21-7, công an huyện Núi Thành vẫn đang bám sát địa bàn để tránh tình trạng xô xát giữa người dân và phía Công ty. Ông Nguyễn Tấn Thành (55 tuổi, trú thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp) cho hay, nhà máy này đi vào hoạt động được gần 2 tháng.

Từ đó đến nay, các dây chuyền sản xuất được vận hành liên tục ngày đêm. “Tiếng máy nổ cả ngày lẫn đêm cộng với khói bụi khiến cả khu vực xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trẻ em buổi tối ngủ khóc thét vì tiếng ồn, xung quanh nhà máy mùi hôi thối từ nước thải bốc nồng nặc. Khí độc từ các ống khói xộc vào rất khó thở”, ông Thành bức xúc. Trước thực trạng trên, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.

“Chúng tôi phát hiện nhà máy xả thải trắng trợn ra bên ngoài. Cá trong ao hồ chết hết. Người dân không thể chịu đựng được nữa”, ông Lê Tam (46 tuổi, trú thôn Đại Phú) cho biết thêm. Theo ông Tam, nhà máy này có hồ xử lý nước thải rất lớn, nhưng không hiểu sao lại xả trực tiếp ra bên ngoài.

Đến ngày 20-7, sau khi người dân phản ứng, Công ty đã ngừng việc xả thải trực tiếp ra bên ngoài. Thay vào đó họ cho vào hồ xử lý nước thải rồi đổ ra sông Trường Giang gần đó. Tuy nhiên theo người dân, mặc dù đã chảy qua hồ xử lý nhưng khi nước này đổ ra sông, cá tại đoạn sông này cũng có hiện tượng chết hàng loạt.

 ... và cá chết hàng loạt do ô nhiễm.
… và cá chết hàng loạt do ô nhiễm.

Theo biên bản vụ việc được UBND xã Tam Hiệp lập, ngày 17-7 người dân thôn Đại Phú phát hiện Công ty này xả thải trực tiếp ra bên ngoài khiến cá tại nhiều ao, hồ xung quanh nhà máy chết hàng loạt. Bức xúc vì tình trạng ô nhiễm kéo dài, liên tục mấy ngày qua, hàng trăm người dân đã vây kín cổng Công ty, một số người xông vào trụ sở nhà máy đòi gặp lãnh đạo để phản ứng.

Sau khi xuống kiểm tra, các ngành chức năng ghi nhận có tình trạng cá chết hàng loạt. “Nhận định ban đầu khả năng là do nước thải từ Nhà máy Sô đa thải ra. Hôm qua kiểm tra thì có tình trạng cá chết trong và bên ngoài hồ rất nhiều, phát hiện có cống nước thải chảy ra nhưng thời điểm này đã được Công ty lấp lại…”, ông Nguyễn Văn Ninh cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, qua kiểm tra, tình trạng như người dân phản ánh. Tuy nhiên, đây là khu vực do Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai phụ trách nên huyện chỉ gửi văn bản đề nghị phối hợp kiểm tra lại chất lượng môi trường và hệ thống thoát nước của nhà máy.

Được biết, thôn Đại Phú với hơn 200 hộ dân nằm trong diện quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai, nhưng 10 năm nay vẫn không được di dời. Toàn bộ thôn bị bao quanh bởi hàng loạt các nhà máy như Sô đa, ô tô Trường Hải, Nhà máy Kính nổi Chu Lai…

Qua thống kê, lãnh đạo địa phương cho biết, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây đã có khoảng 40 người dân trong thôn chết vì bệnh ung thư, trong đó phần lớn là ung thư phổi. “Chứng kiến hàng loạt cái chết từ ung thư, chúng tôi chỉ muốn được giải tỏa, chuyển đến nơi khác để yên tâm sinh sống chứ ở đây nhà máy bao quanh, không khí, nguồn nước, tiếng ồn đều ô nhiễm khiến dân không thể chịu đựng nổi”, ông Lê Đình Sạ – Trưởng thôn Đại Phú chia sẻ.