Vào thung lũng thoát nghèo

ThienNhien.Net – Không có trình độ học vấn, không có ruộng để trồng trọt, phải nuôi ba người con đến tuổi ăn học…, trong những lúc khó khăn nhất hai vợ chồng ông tưởng chỉ còn nước vào rừng làm “lâm tặc”. Thế rồi, một cuộc thoát nghèo kỳ diệu đã tới khi vợ chồng ông Dương Văn Tròn và Dương Thị Thanh, người dân tộc Tày ở thôn Lân Gặt, xã Trấn Yên, Bắc Sơn (Lạng Sơn) quyết định vượt núi vào thung lũng Lân Khoản để lập lều khai hoang, mưu sinh.

160715_thoatngheoVượt qua điều tiếng

Để tìm được tới căn lều nhỏ, đơn sơ trong lòng thung lũng của vợ chồng ông Dương Văn Tròn không phải chuyện dễ. Chúng tôi phải hỏi đường mấy lần từ tỉnh lộ 241, rồi đến trung tâm xã Trấn Yên. Để vào được Lân Khoản, phải vượt qua con đường đất lầy lội sau cơn mưa rồi leo hàng trăm bậc đá theo con đường mòn qua mỏm núi.

Nằm nép mình bên sườn núi là hai túp lều nhỏ, một để nhốt đàn dê và một là nơi ở của vợ chồng ông Tròn.

“Nhà tôi ở ngoài thôn Lân Gặt đó, cũng dựng được căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ. Gia đình không có ruộng để trồng trọt, cũng chẳng có trình độ học vấn hay vốn liếng kinh doanh gì. Lúc vợ chồng tôi quyết định chuyển vào đây nhiều người can ngăn lắm, một số người còn bảo vợ chồng tôi chắc đầu óc không được bình thường”, ông Tròn kể.

Lân Khoản thường có năm tháng không thể trồng trọt gì được vì nước lũ lên cao. Lý do ông làm lều cao cũng bởi để tránh lũ. Vào mùa mưa lũ, Lân Khoản như một cái vũng nước khổng lồ, lều ở sườn núi cao vậy rồi nhưng có đợt nước vẫn ngập tới sát sàn. Để ra ngoài thôn hoặc đi chợ mua bán, vợ chồng ông Tròn chỉ còn cách đóng bè.”Khi mới chuyển vào đây gia đình tôi gặp nhiều khó khăn lắm, đến một chiếc thuyền đi lại cũng không mua nổi”, ông tâm sự.

Phải mất vài năm gia đình ông chịu cảnh ăn ngô, ăn khoai trừ bữa cùng với việc vào rừng kiếm củi làm cái đun. Số tiền ít ỏi dành dụm được từ bán nông sản và củi rừng, ông bàn với vợ mua trâu, bò giống cùng đàn gà về nuôi. Vào mùa khô, cả thung lũng bạt ngàn cỏ dại, trâu bò lớn nhanh như thổi. Còn gà ăn ngô, ăn khoai chạy khắp nơi cũng tự nhiên thành gà đồi, gà rừng. Vào những tháng nước ngập, ông Tròn lại cùng vợ sơ tán đàn trâu, bò, gà… lên núi.

Ông kể: “Cuộc sống ở Lân Khoản vô cùng khó khăn. Điện phải kéo từ ngoài thôn vào hàng km. Nước thì phải leo núi đi lấy ở các dòng suối vác về tích ở chum dùng dần. Có những năm lũ đến sớm hoặc rút muộn, toàn bộ hoa màu hỏng sạch”. Do đất khai hoang, không thuộc đất nông nghiệp chính quyền quản lý nên những mùa vụ hỏng vợ chồng ông không được đền bù. Trong một lần, vợ chồng ông xem ti-vi thấy việc nuôi dê mang lại lợi nhuận cao, vì vậy đã nảy ra ý tưởng nuôi dê. Ở đây có địa hình và thức ăn sẵn hết sức lý tưởng cho việc nuôi dê. Năm 2009, vợ chồng ông quyết định chuyển hướng sang nuôi dê với một cặp giống để gây đàn. Ngày ngày ông chăn dê còn vợ làm ruộng, nội trợ.”Dê nuôi ở đây lớn rất nhanh, hơn nữa loại dê sinh sản tốt nên việc gây đàn rất thuận lợi. Chỉ hai đến ba năm sau tôi đã có dê bán cho các chủ thịt”, ông Tròn cho biết.

Cứ sau bảy đến tám tháng vợ chồng ông lại bán được gần chục con dê thu về 30 đến 40 triệu đồng. Cuối năm 2014 gia đình ông đã bán một lứa dê thịt mà đàn bây giờ vẫn còn 24 con lớn, nhỏ. Nhờ tiền lãi từ nuôi dê, gia đình ông đã có của ăn, của để.

Làm du lịch từ hoa tam giác mạch

Cũng từ sự tìm tòi mạnh dạn làm cái mới mà những nương hoa tam giác mạch đã ra đời. Vào dịp tháng 10 và 11 năm 2014, dân đi phượt và khách du lịch đã vô cùng ngỡ ngàng xen lẫn với sự thích thú khi đến thung lũng hoa tam giác mạch của vợ chồng ông. Họ ngỡ ngàng bởi từ xưa đến nay mới chỉ biết đến hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Họ ngỡ ngàng bởi thung lũng hoa tam giác mạch toàn mầu trắng đẹp vô cùng.

Kể về câu chuyện hoa tam giác mạch, ông Tròn nhớ lại: “Năm 2014, con trai cả Dương Văn Hằng và hai vợ chồng tôi đã trao đổi và cùng quyết tâm mang hạt hoa tam giác mạch ở Hà Giang về thung lũng gieo”. Tam giác mạch thường nở rộ hai đợt vào tháng 4 và tháng 10, 11 dương lịch hằng năm. Hai thời điểm đó ở thung lũng Lân Khoản không bị ngập nước. Cây hoa tam giác mạch dễ sống, hầu như gia đình ông Tròn không phải chăm sóc gì nhiều. Trong mùa đầu tiên năm 2014, gia đình ông đã gieo khoảng 50 kg hạt ra khắp khu ruộng gần một ha quanh lều. Chỉ sau thời gian ngắn, cả nương hoa tam giác mạch đã nở trắng xóa một vùng thung lũng. Khi hoa nở, con trai ông bắt đầu thông tin lên mạng in-tơ-nét để du khách, phượt thủ tới thăm. Có công gieo trồng, trông coi nên vợ chồng ông lấy 10-20 nghìn đồng/lần vào nương hoa chụp ảnh đối với người đã đi làm, có thu nhập. Còn học sinh, sinh viên đến chụp thoải mái, gia đình không thu tiền. Sau khi biết tin, đã có nhiều đôi bạn trẻ ở Lạng Sơn và vùng phụ cận tìm tới đây chụp ảnh cưới.

Do vào Lân Khoản đường sá khó khăn, xa xôi nên nhiều khách ở xa thường phải ở lại ăn cơm trưa. Có đàn gà đồi nuôi và rau cỏ trồng quanh lều bà Thanh lại làm cơm bán cho khách. Tuy mới chỉ manh nha làm du lịch từ hoa tam giác mạch, nhưng mùa đầu tiên năm 2014 vợ chồng ông cũng thu về được hơn mười triệu đồng. Nương hoa tam giác mạch mang về cho gia đình gần một tấn hạt. Sau khi sàng, xay số hạt đó đã cho ra khoảng sáu đến bảy tạ bột. Bột hoa tam giác mạch có thể rán thành bánh cho thêm hành, trứng gà vào ăn rất ngon.

Vào ngày cuối tuần, nhiều đoàn khách du lịch đã tới đây chụp ảnh, rồi vào lều ăn cơm, ăn bánh bột hoa. Có nhiều bạn trẻ và gia đình ở tận Hà Nội cũng đi ô-tô, xe máy vượt 170 km lên đây để tham quan, chụp ảnh. Để nương hoa tam giác mạch được đẹp và nguyên vẹn, gia đình ông Tròn phải luôn luôn cử người ở nhà trông coi trâu, bò.

Gia đình ông Tròn cho chúng tôi biết, dự kiến vào mùa hoa tam giác mạch cuối năm 2015, du khách đến thung lũng sẽ thấy cả nương hoa với đủ hai mầu trắng lẫn hồng. Gia đình ông sẽ lấy thêm vài chục kg hạt loại tam giác mạch mầu hồng từ Hà Giang về gieo. Căn lều trong thời gian tới cũng sẽ được sửa lại cho chắc chắn hơn, làm chỗ cho mọi người nghỉ ngơi, ăn uống.