Thay đổi tư duy về phát triển ngành chăn nuôi

ThienNhien.Net – Cần đặt ngành Chăn nuôi của Việt Nam vào “bản đồ” chăn nuôi thế giới để thay đổi cách tiếp cận trong việc phát triển ngành theo hướng sản xuất hàng hóa có cạnh tranh cao về chất lượng, giá trị trong trong tiêu dùng và xuất khẩu.

Hội nghị “Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm” (Ảnh: Đỗ Hương/Chinhphu.vn)
Hội nghị “Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm” (Ảnh: Đỗ Hương/Chinhphu.vn)

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị “Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 9/7 tại Hà Nội. Đến nay, cả nước có 27 tỉnh, thành phố ban hành Đề án và Kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương trong đó có lĩnh vực chăn nuôi; 52/63 tỉnh thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết cũng đã được các địa phương chú trọng, bên cạnh việc xây dựng mới các liên kết trong chăn nuôi đã tập trung đa dạng hóa các mô hình cao được phát triển trong thời gian qua góp phần tạo đột phá trong gia tăng giá trị các sản phẩm chăn nuôi…

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù đạt một số kết quả bước đầu nhưng công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án ở một số các địa phương còn chưa đồng bộ và hiệu quả, chưa huy động được nguồn lực đủ mạnh trong quá trình thực hiện.

Nhiều địa phương còn lúng túng chưa phân biệt nội dung và giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu với các hoạt động chung, thường xuyên của ngành chăn nuôi. Quy hoạch chăn nuôi còn mang nặng tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu Đề án tái cơ cấu: Theo vùng chăn nuôi, cơ cấu vật nuôi; tổ chức sản xuất chăn nuôi với đổi mới hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm và chuỗi giá trị ngành hàng…

Ông Bùi Quang Hoàn (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh) nêu ý kiến: “Phải giải quyết từng bước một, từ hàm lượng giá trị gia tăng trong thực phẩm, rồi phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung gắn với thị trường và tối đa hóa tính chuyên nghiệp trong sản xuất. Ngành chăn nuôi ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế thì phải đảm bảo tiêu chuẩn cao từ vật tư đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó là quan tâm đến chuỗi liên kết cũng như vấn đề đảm bảo môi trường”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng tái cơ cấu ngành chăn nuôi không phải là điều chỉnh cơ cấu mà là sự thay đổi nhận thức và cách tiếp cận để phát triển ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, có tính cạnh tranh cao về chất lượng và giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu. Không chạy theo số lượng mà tập trung vào năng suất, chất lượng về con giống; đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất áp dụng công nghệ cao, giảm chi phí, giá thành trong chăn nuôi và thú y.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tái cơ cấu là phải thay đổi cách tiếp cận, từ hàng lang pháp lý, hạ tầng và về nhân lực, năng lực quản lý. Trong nhiều trường hợp chúng ta nói đến đàn gia súc nhiều hơn để rồi xếp thứ hạng cao trên thế giới nhưng tính theo sản lượng thịt thì chúng ta thua kém xa đã đến phải nhìn nhận lại. Chúng ta phải hướng đến ngành chăn nuôi hàng hóa, cạnh tranh quốc tế, tập trung cao độ vào năng suất, chất lượng phát triển bền vững”.