Nhìn lại mùa vải 2015: Thị trường 90 triệu dân vẫn còn bị bỏ ngỏ

ThienNhien.Net – Hai năm liên tiếp (2014-2015), việc tiêu thụ trái vải trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu được cho là có nhiều thành công khi vừa được mùa được giá.

Đáng chú ý, người nông dân đã có ý thức tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Từ bài học thực tiễn về tiêu thụ trái vải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có trao đổi với VietnamPlus về những kinh nghiệm và giải pháp để có thể hướng tới việc tiêu thụ nông sản bền vững.

Người dân đang thu hoạch vải thiều (Ảnh: TTXVN)
Người dân đang thu hoạch vải thiều (Ảnh: TTXVN)

– Thưa Thứ trưởng, cho đến thời điểm này có thể khẳng định việc tiêu thụ vải thiều rất thành công. Xin Thứ trưởng cho biết để đạt được kết quả trên thì cần các giải pháp gì?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo số liệu thống kê, sản lượng vải thiều năm 2015 của nước ta vào khoảng trên 200.000 tấn, đến thời điểm này, về cơ bản đã tiêu thụ được hết với giá tương đối tốt, kể cả giá xuất khẩu và giá nội địa.

Ngoài việc tiêu thụ tốt ở một số thị trường truyền thống, chúng ta cũng đã đưa ​trái vải ra nhiều thị trường mới như Mỹ, ​Australia, Pháp… dù sản lượng chưa lớn nhưng có thể nói đây là thành công bởi các thị trường này đều có yêu cầu cao, hàng rào kỹ thuật lớn.

Việc đưa trái vải thâm nhập thành công vào những thị trường này đã mang lại rất nhiều kinh nghiệm, đồng thời giúp ta bước đầu xây dựng thương hiệu cho quả vải, hứa hẹn kết quả tích cực hơn cho những mùa vải sau.

Ngay từ đầu vụ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hàng loạt các hội nghị kết nối để tiêu thụ vải tại thị trường nội địa như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, nhiều hội nghị để tổ chức kết nối cho doanh nghiệp tiêu thụ vải phục vụ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ​Australia… cũng liên tục được tổ chức, tạo điều kiện cho trái vải của Việt Nam được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng, các tổ chức và đối tác nước ngoài.

Trồng và thu hoạch vải thiều theo ​tiêu chuẩn VietGap (Ảnh: TTXVN)
Trồng và thu hoạch vải thiều theo ​tiêu chuẩn VietGap (Ảnh: TTXVN)

– Việc trái vải của Việt Nam có mặt tại một số nước như Mỹ, Australia… có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên để xuất khẩu mang tính bền vững cần ​có những giải pháp gì thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện sản phẩm nông sản của chúng ta đã có mặt ở trên gần 220 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, để có sự ổn định và phát triển bền vững tại các thị trường lớn thì chắc chắn không hề dễ dàng và đơn giản.

​Việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào các thị trường khó tính mà có tiềm năng nhưng với khoảng cách địa lý xa xôi cộng với chi phí vận chuyển bằng đường hàng không sẽ rất tốn kém, làm đẩy giá lên.

Từ thực tế trái vải xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, ​Australia, Pháp… cho thấy, khâu công nghệ tổ chức sơ chế đóng gói và bảo quản trái vải phải được làm hết sức chặt chẽ mới có thể đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

– Thứ trưởng có thể nói rõ hơn những điều kiện mà ​các thị trường khó tính đặt ra đối với trái cây của Việt Nam?​

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: ​Để xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, ​Australia… các cơ quan chức năng của Việt Nam phải làm rất nhiều việc với phía đối tác.

Sau khi có hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước của phía sở tại sẽ phải nghiên cứu, rồi điều tra, đánh giá về tất cả các khía cạnh như chất lượng, quy trình trồng, bảo quản, đóng gói… sau khi hội đủ các yếu tố kỹ thuật, phía bạn mới cấp phép cho sản phẩm của Việt Nam về mặt nguyên tắc được xuất khẩu sang thị trường của họ.

Đối với trái vải, chúng ta cũng phải mất từ 5-8 năm mới hoàn chỉnh các quy trình thủ tục và được phía bạn chấp nhận, quan trọng nhất là phải đảm bảo chiếu xạ trừ hết sâu bệnh, côn trùng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng tới môi trường của bạn, đảm bảo môi trường được canh tác theo quy trình nông nghiệp VietGap và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Đức Duy/VietnamPlus)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Đức Duy/VietnamPlus)

– Có thể thấy, thị trường trong nước vẫn là chủ lực để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, vậy thời gian tới các cơ quan chức năng đã có những giải pháp gì để người tiêu dùng nội địa được sử dụng những sản phẩm có chất lượng cao?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta phải đánh giá thị trường tiêu thụ nội địa với hơn 90 triệu dân là một thị trường lớn cho không chỉ riêng mặt hàng trái cây, trái vải, mà còn với các sản phẩm tiêu dùng nói chung.

Theo tôi, trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tập trung nhiều giải pháp cho việc tiêu thụ những mặt hàng này ra nước ngoài và cụ thể chúng ta nhìn thấy, năng lực xuất khẩu trong năm qua đã chứng minh khả năng tiến bộ của sản xuất, tuy nhiên tiêu thụ nội địa chúng ta vẫn còn bất cập trong công tác tổ chức sản xuất, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng.

Cụ thể, thị trường trong nước chưa được quan tâm và có chính sách phát triển thích đáng cho hạ tầng thương mại. Tiếp đến, doanh nghiệp chưa được quan tâm trong việc hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối để chiếm lĩnh thị trường.

Ngoài ra, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được quan tâm xây dựng, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp trong việc liên kết chưa được mạnh mẽ trong khi thị trường nội địa cũng chưa được quan tâm để xây dựng những phương thức phát triển bảo đảm hiệu quả trong sản xuất, cạnh tranh với sản phẩm của thị trường bên ngoài.

Do vậy, để cho các doanh nghiệp và các đối tác có thể tham gia kết nối với người nông dân ngay từ gốc thì không có con đường nào khác là trong khâu tổ chức sản xuất phải có những liên kết theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất và quan trọng nhất là phải tổ chức để đảm bảo quy mô sản xuất.

Về vĩ mô phải có chính sách để tạo thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân một cách có định hướng qua đó nâng cao nhận thức về thị trường, về kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng.