Những lý do có thể gây vỡ đập ở Lào

Lượng nước vỡ đập ở Lào không phải là lớn lắm nên không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy sông Mekong.

Sau sự cố vỡ đập đang thi công tại dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, tỉnh Attapeu, có biên giới với Campuchia và Việt Nam khiến dư luận lo ngại một sự cố như vậy có khả năng xảy ra ở Việt Nam, nơi có hàng ngàn thủy điện lớn nhỏ. Báo Pháp Luật TP.HCMphỏng vấn kỹ sư thủy công Nguyễn Tài Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng điện 1, người có kinh nghiệm tư vấn một số dự án thủy điện ở Lào.

300-400 triệu m3 nước tràn xuống hạ du

Kỹ sư Nguyễn Tài Sơn

Kỹ sư Nguyễn Tài Sơn chia sẻ:

+ Tôi có tìm hiểu tài liệu kỹ thuật dự án thủy điện Xe-Pian Xe -Namnoy của Lào. Các tài liệu này là của các công ty tư vấn của Thụy Sĩ, Pháp, Thái Lan có tham gia tư vấn cho dự án này. Qua đó thì thấy ở đây có ba đập chính ngăn nước ở các dòng sông chính đổ vào hồ, năm đập phụ để chặn nước ở các eo núi hình yên ngựa, giúp nâng mực nước lòng hồ.

Các đập chính, tính từ chân lên rất cao, trong công trình thủy điện này là 73 m, làm bằng công nghệ đập đá đổ, giống với đập thủy điện Hòa Bình của ta. Còn đập phụ thì thấp hơn. Sự cố xảy ra ở một đập phụ, chiều cao khoảng 16 m, dài 770 m. Đây là đập đất, giống như đê sông Hồng vậy.

Với đập đất, khi bị vỡ thì khả năng sẽ bị xói lở đến chân. Do đó, nếu nước đầy hồ thì sẽ mất đi lớp nước nhiều nhất là khoảng 16 m. Nhưng đây là công trình đang thi công nên khả năng chưa tích đến mực nước thiết kế. Do đó, ước tính khoảng 300-400 triệu m3nước sẽ thoát qua đập này tràn xuống hạ du. Lượng nước này không lớn lắm, tuy nhiên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu gần chân đập, đồng thời gây ngập lụt ở khu vực phía dưới.

Theo bản đồ địa hình, từ vị trí vỡ đập này, nước chảy xuống Xê-piên, một sông nhỏ gần với eo núi ấy, rồi đổ tiếp vào sông Xê-kông lớn hơn, rồi mới hòa vào Mekong. Lượng nước này không phải là lớn với dòng chính Mekong.

Đập chính Xe – Namnoy cao 73 m, tràn đang xả lũ

Phát hiện muộn

. Thông tin từ cổ đông Hàn Quốc của dự án này là qua quan trắc, họ đã phát hiện vết nứt thân đập trước khi xảy ra sự cố nghiêm trọng 24 giờ. Vậy ở góc độ chuyên môn, phát hiện như vậy là sớm hay muộn?

+ Trong thiết kế kỹ thuật công trình luôn có hạng mục quan trắc nhằm theo dõi sát sức khỏe của công trình, thiết bị, trong đó có đập. Tùy loại sự cố, loại công trình mà phát hiện được trước một ngày đã là sớm và trước một tuần vẫn là muộn.

Trường hợp này, tôi cho là đơn vị thi công phát hiện muộn. Với loại đập đất đồng nhất, sự cố kỹ thuật có quá trình diễn tiến chứ không phải ngày một ngày hai. Trong điều kiện công trường đang thi công, vật tư, máy móc sẵn có như thế, tôi nghĩ nếu quan trắc tốt, phát hiện sự cố trước một tuần là hoàn toàn có thể xử lý, bảo vệ đập được.

. Với đập đất dài 770 m, cao 16 m như thế này thì đặc tính của nó thế nào? Đập phụ kết cấu bằng đất thì có yếu hơn, dễ bị sự cố hơn đập chính bằng đá đổ không?

+ Không. Mỗi loại đập đều có ưu, nhược, đặc tính kỹ thuật riêng và khi đã lựa chọn, xây lên thì đều phải đáp ứng các điều kiện an toàn như nhau, theo đúng thiết kế, tính toán kỹ thuật đặt ra. Trong các công trình hồ thủy điện, thủy lợi, việc lựa chọn công nghệ đập nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là hiệu quả tổng hợp kinh tế-kỹ thuật.

Đập đất nơi xảy ra sự cố có chiều cao 16 m là loại bình thường, không có gì cao siêu cả. Ở ta có hàng ngàn đập đất như vậy. Còn dài 770 m thì cũng chẳng có gì đặc biệt cả, vì như tuyến đê sông Hồng hàng trăm kilomet có sao đâu.

Coi ảnh đập bị vỡ thì có lẽ đây là đập đất đồng chất. Với dữ liệu là trước khi xảy ra sự cố, người ta đã phát hiện vết nứt, vậy thì nội suy chuyên môn đập này lúc đó đã mất ổn định. Lại gặp trời mưa to nữa thì các chỉ số kỹ thuật khác suy giảm rất nhanh dẫn tới vỡ. Mà đã vỡ rồi thì nước cuốn băng hết, đến nền móng đá mới thôi.

Đập phụ D đang chuẩn bị vỡ (đập đất cao 16 m, chiều dài theo đỉnh đập 770 m)

“Chưa đầy đủ hết đâu!”

. Theo ông, nguyên nhân dẫn tới sự cố vỡ đập này là gì?

+ Điều tra, kết luận nguyên nhân chính xác ở các sự cố vỡ đập là rất khó khăn và cần nhiều thời gian vì công trình đã bị phá hủy rồi. Với sự cố vỡ đập đất thì tổng kết của giới chuyên môn phần lớn là do xói ngầm. Chẳng hạn nền móng yếu, không được phát hiện, xử lý tốt dẫn tới xói ngầm. Một nguyên nhân khác ít hơn là xác định các chỉ tiêu để tính toán mái đập không phù hợp, chẳng hạn tính toán mặt đứng mái đứng quá dẫn tới sạt mái, dần dà vỡ đập.

Ta có khoảng 6.000 đập thủy lợi, trong đó gần 600 là đập cao. Đập cao thì được đầu tư quan trắc tốt hơn nhưng cũng chưa đầy đủ hết đâu. Chính phủ đang yêu cầu rà soát, đánh giá để đầu tư bổ sung hệ thống quan trắc này.

Kỹ sư thủy công Nguyễn Tài Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng điện 1

Nhưng với trường hợp này, cần lưu ý là sự cố xảy ra ở giai đoạn tích nước. Đây là thời điểm quan trọng nhất, nguy hiểm nhất với công trình đập ngăn nước và do đó phải quan trắc, theo dõi rất kỹ lưỡng. Nước dâng lên, thấm vào vật liệu có thể làm thay đổi đặc tính kỹ thuật mà trong thiết kế chưa lường được. Nếu có diễn biến bất thường là phải dừng tích nước ngay, tính toán lại và có biện pháp xử lý rồi mới tích nước tiếp.

. Để phòng tránh sự cố như ở Lào, việc quan trắc, phát hiện sớm cần được đặt ra. Ở ta, lâu nay việc quan trắc sự cố kỹ thuật các đập thủy điện, thủy lợi được thực hiện thế nào?

+ Ở ta, những đập nước đầu tư từ năm 2000 về trước, nhất là đập thủy lợi thì do điều kiện kinh tế, kỹ thuật mà nhiều đập hệ thống quan trắc chưa được đầy đủ. Còn về sau này thì ngày càng hiện đại, tiên tiến hơn, đầu tư cho an toàn cao hơn.

. Xin cám ơn ông.

Lo ngại đập Sambo

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng sự cố vỡ đập ở Lào vừa qua không đáng lo ngại đối với vùng ĐBSCL, vì khoảng cách giữa đập này với vùng ĐBSCL khá xa, mực nước tại vùng ĐBSCL có tăng nhưng không đáng kể.

Theo ông Thiện, điều lo ngại nhất là đập Sambo ở Campuchia nếu được xây dựng sẽ là mối nguy hiểm cho vùng ĐBSCL. Vì nếu đập Sambo được xây dựng sẽ nằm trong chuỗi 11 đập thủy điện tại Lào và Campuchia. Đập Sambo theo phương án ban đầu có chiều ngang 18 km, cao 56 m, có diện tích hồ chứa 620 km2, tích trữ nước ở cao trình 40 m trên mực nước biển, trong khi cao trình của ĐBSCL là chỉ khoảng 1 m trên mực nước biển. Đây sẽ là quả bom nước treo lơ lửng phía trên ĐBSCL.

Chí Dũng ghi