Quản lý an ninh nước ở Việt Nam – Bài cuối: Cần sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước

Trong những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên nước đã đạt được một số chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã và đang tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhằm hiểu rõ hơn vấn đề này.

Năm 2018, công tác quản lý tài nguyên nước đã đạt được những kết quả tích cực. Ông có thể cho biết cụ thể những kết quả này?

Kiểm tra tình hình lượng nước ở hồ Sông Biêu, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Theo Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 và Chương trình công tác năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước được giao 12 nhiệm vụ công tác, trong đó xây dựng 1 Nghị định, 2 Thông tư và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất; Thông tư quy định nội dung, biểu mẫu, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước;

Thông tư quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Ba, Kôn – Hà Thanh, Trà Khúc. Đến nay, các Nghị định, Quyết định trình Chính phủ và các Thông tư trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đã được Cục bám sát thời hạn đăng ký, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức đoàn thanh tra tình hình thực hiện giấy phép tài nguyên nước tại tỉnh Lai Châu và thực hiện các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn năm 2018. Bên cạnh đó, Cục còn thực hiện kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật tài nguyên nước về giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tại 2 tỉnh: Cao Bằng và Hà Giang.

Tính đến ngày 15/12/2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thẩm định, trình Bộ cấp 184 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó có 42 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 27 giấy phép khai thác nước dưới đất; 4 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 6 giấy phép thăm dò nước dưới đất và 105 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển.

Trong công tác cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tính đến ngày 20/11/2018, Cục đã thẩm định, trình Bộ phê duyệt tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất: Đã phê duyệt 265 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phải thu hơn 6.554 tỷ đồng, trong đó số tiền phải thu năm 2017 là 258 tỷ, số tiền phải thu năm 2018 là 793 tỷ đồng…

Hiện đã có 48 tỉnh thực hiện phê duyệt tiền cấp quyền tính tiền khai thác tài nguyên nước đối với tổng số 2000 chủ giấy phép, với tổng số tiền phải thu là 1.666 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 đã thu được số tiền là 51.998 tỷ đồng, số tiền dự kiến thu trong năm 2018 là 335.839 tỷ đồng. Các địa phương còn lại đang thực hiện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân để tiến hành kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, một số địa phương đã tổng hợp tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; công tác khoa học công nghệ; thực hiện các nhiệm vụ, dự án chuyên môn về tài nguyên nước… cũng được Cục chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Tại các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành 73 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, chủ yếu phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh;

Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Danh mục các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; công tác quy hoạch tài nguyên nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất; phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh…

Hầu hết các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh trong cả nước (85% các tỉnh) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước…

Các địa phương tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước. Theo số liệu thống kê, có tổng số 273 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 1.829 cơ sở. Tổng số tiền phạt thu về cho ngân sách nhà nước gần 6.618 triệu đồng. Một số địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Yên Bái, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng…

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ cho công tác quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Tuy vậy, thực tế cho thấy công tác quản lý về tài nguyên nước vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập, vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Để bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 – 2020… Tuy vậy, công tác quản lý về tài nguyên nước vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập như: Công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được các Ủy ban lưu vực sông. Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước.

Đáng lưu ý, tại các địa phương, cán bộ quản lý tài nguyên nước thiếu về số lượng, không có chuyên môn sâu về chuyên ngành, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm. Do kinh phí hạn chế nên công tác xây dựng mạng lưới các điểm, trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước; điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước khó thực hiện. Ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của người dân còn chưa cao, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường; việc sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí, chưa hiệu quả, tình trạng hoạt động hành nghề khoan nước dưới dất trái phép còn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát…

Để từng bước kiểm soát tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, theo ông trong năm 2019, ngành Tài nguyên và Môi trường nên định hướng triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước thế nào cho hợp lý?

Theo tôi, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; bảo vệ nước dưới đất, các định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá… để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, ngành Tài nguyên và môi trường cần xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động vận hành hồ chứa. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh bổ sung 5 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông: Đồng Nai, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Cả, Srêpốk; hoàn thành Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, ngành cần chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là các quy định mới như: Ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện… bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Quy hoạch đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về: Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước mặt; điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất; công bố được kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, báo cáo tài nguyên nước quốc gia (theo giai đoạn 5 năm một lần) vào năm 2025, 2030 và lập báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước, báo cáo sử dụng nước hằng năm của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Hơn nữa, hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát việc phối hợp vận hành liên hồ chứa của khoảng 70 hồ chứa lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông và hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước; hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi cả nước; hoàn thành việc xác định và công bố khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước đối với các sông lớn, quan trọng hoặc trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, xác định được tầm nhìn đến năm 2050, về cơ bản thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đáp ứng được yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quản lý an ninh nước ở Việt Nam – Bài 1: Khan hiếm nước ngày càng trầm trọng

Quản lý an ninh nước ở Việt Nam – Bài 2: Thu hút đầu tư song hành với bảo vệ nguồn nước