Thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp

ThienNhien.Net – Chiếm tới hơn 50% tỷ trọng của toàn ngành nông nghiệp nhưng trong 6 tháng vừa qua, lĩnh vực trồng trọt có tốc độ tăng trưởng thấp đã tạo lực cản tốc độ phát triển toàn ngành. Lý do chính là do hạn hán.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hạn hán nghiêm trọng nên trồng trọt là lĩnh vực có tốc độ tăng thấp nhất trong toàn ngành nông nghiệp, chỉ tăng 1,08% trong khi con số này là 2,8% trong 6 tháng cùng kỳ năm trước. Đây là ngành có tỷ trọng cao nhất trong ngành nông nghiệp, hơn 50,7%, nên đã kéo tốc độ tăng của ngành xuống thấp.

Trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khả năng còn lan rộng ra nhiều khu vực khác.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho hay, năm nay hạn hán khốc liệt, riêng Ninh Thuận và Khánh Hòa khốc liệt nhất trong vòng 40 năm. Hiện tại, các hồ chứa ở Ninh Thuận cơ bản hết nước, dung tích đều dưới 10%; ở Khánh Hòa dung tích các hồ chứa còn khoảng 17%. Vụ Hè Thu, dự kiến Ninh Thuận dừng sản xuất khoảng 10.229 ha, chiếm 34%, còn Khánh Hòa dự kiến dừng sản xuất 10.400 ha, chiếm 24%.

Ông Tỉnh cho biết thêm, trong thời điểm hạn hán cao nhất thì có khoảng 122.000 ha ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, trong đó nhiều nhất là Đắk Lắk 61.000 ha, Đăk Nông 17.000 ha… bị ảnh hưởng. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân cả nước đạt 3,112 triệu ha, giảm 4.300 ha so với năm 2014, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153.000 tấn (tương đương giảm 0,7%).

Tại buổi họp sơ kết 6 tháng ngành nông nghiệp diễn ra chiều tối 1/7, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết với tình hình hạn hán hiện nay, các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị sẽ có khoảng 50.000 ha không thể trồng được bất kỳ cây gì.

Với những địa phương vẫn còn khả năng có nước, Bộ NN&PTNT đã bàn với các địa phương và Chính phủ cùng hỗ trợ để nông dân chuyển sang trồng cây trồng sử dụng ít nước như ngô, đậu đỗ, cỏ. “Nếu trồng lúa, mỗi ha cần 10.000 m3 nước nhưng trồng ngô chỉ cần 3.000 m3 thôi, cỏ cũng vậy. Chúng tôi cũng đang phổ biến kỹ thuật tưới tiết kiệm để nâng cao hiệu quả sử dụng nước và năng suất cây trồng”, Bộ trưởng cho biết về giải pháp chuyển đổi sản xuất.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 150,6 tỷ đồng cho 8 địa phương và 3 công ty của Bộ NN&PTNT từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2014-2015.