Mặt trái của khai thác khoáng sản

ThienNhien.Net – Không chỉ tác động tới đời sống và sinh kế của các hộ dân, hoạt động khai thác khoáng sản tại các địa phương còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, nguồn nước và hệ thống công trình thủy lợi. Đây là kết luận được rút ra từ nội dung báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, hiện có tới gần 30 nghìn hộ dân ở ĐBSCL nằm trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở bờ sông cần phải di dời mà nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác cát của các tổ chức, cá nhân gây nên; trên 450 hộ dân ở xã Tân Hiệp, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và huyện Thanh Ba, Phú Thọ cũng bị ảnh hưởng do hiện tượng sụt lún đất sau khai thác; tại nhiều địa phương, hoạt động khai thác còn gây mất đất canh tác và gây bất ổn xã hội…

Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, thống kê từ năm 2008 – 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy, toàn quốc đã chuyển mục đích sử dụng 11.312 ha rừng và đất lâm nghiệp sang khai thác khoáng sản, trong đó không ít trường hợp bị lợi dụng để khai thác lâm sản trái phép ở các khu vực lân cận, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đáng chú ý là sau khi cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, nhiều địa phương đã không tổ chức kiểm tra, đánh giá và không báo cáo kết quả thực hiện.

Bộ đề nghị, cần rà soát toàn bộ các dự án đã cho phép chuyển đổi rừng và chỉ tiếp tục cho thực hiện đối với các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản nằm trong quy hoạch và danh mục sử dụng đất 5 năm đã được Chính phủ phê duyệt; những dự án khác nếu không thực hiện đúng quy định sẽ buộc phải đình chỉ. Đặc biệt, nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác để khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo duy trì diện tích rừng ổn định.

Khai thác vàng tại Na Rì, Bắc Kạn (Ảnh: ThienNhien.Net)

Đối với sản xuất thủy sản, hoạt động khai khoáng tại một số địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị… đã ảnh hưởng xấu đến hàng ngàn ha diện tích nuôi trồng, nhiều địa phương không dám đầu tư phát triển thủy sản mặc dù đã được quy hoạch.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyển rửa quặng cũng làm gia tăng hàm lượng bùn đất trong nước, gây bồi lắng lòng sông, suối, ảnh hưởng đến hệ thống các công trình thủy lợi… Đó là chưa kể tới nguy cơ ô nhiễm do nước thải từ các hoạt động khai thác không được xử lý chảy tràn vào nguồn nước tự nhiên gây biến đổi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.