Tranh chấp đất sản xuất tại bản tái định cư Lán Lỷ – vì đâu?

ThienNhien.Net – Các hộ tái định cư đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói do hàng chục ha đất sản xuất của họ bị các hộ dân sở tại thu lại để canh tác.

Sau gần 7 năm di chuyển khỏi lòng hồ phục vụ xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La, cuộc sống của các hộ tái định cư thuộc bản tái định cư Quỳnh Lỷ, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La lại một lần nữa bị xáo trộn. Họ đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói do hàng chục ha đất sản xuất của họ bị các hộ dân sở tại thu lại để canh tác.

Một góc bản tái định cư Quỳnh Lỷ. (Ảnh: VOV.VN)
Một góc bản tái định cư Quỳnh Lỷ. (Ảnh: VOV.VN)

Bản tái định cư Quỳnh Lỷ, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có 32 hộ, trên 130 nhân khẩu. Các hộ này thuộc dân tộc Thái trắng, chuyển từ bản Cà Nàng, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai về sinh sống từ tháng 11 năm 2008, do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La. Gần 7 năm định cư tại nơi ở mới, cuộc sống của họ đang dần ổn định. Thế nhưng, đầu năm nay, 1/3  trong tổng số 34 ha diện tích đất sản xuất của họ đã bị các hộ dân sở tại thu về để canh tác, bất chấp sự phản đối của các hộ dân ở đây.

Các hộ dân tái định cư và sở tại xác định vị trí đất từ bản đồ. (Ảnh: VOV.VN)
Các hộ dân tái định cư và sở tại xác định vị trí đất từ bản đồ. (Ảnh: VOV.VN)

Ông Hoàng Văn Ịn, Trưởng bản Quỳnh Lỷ cho biết: “Về đây cũng được mấy năm rồi, được bàn giao đất, chúng tôi cũng đã yên tâm canh tác, sản xuất. Đến cuối năm 2014, không biết lý do đền bù tiền nong thế nào mà dân sở tại vào nhà chúng tôi mấy lần bảo không được đền bù thỏa đáng, sẽ lấy lại đất, khi được trả tiền đền bù thì mới trả lại đất cho chúng tôi. Đất của các anh thì các anh lấy thôi, chúng tôi không thể và không dám cãi các anh được. Cho nên, dân chúng tôi rất bức xúc”.

Các hộ dân sở tại và tái định cư nhiều lần đối chiếu hồ sơ, nhưng đất sản xuất khu vực Lán Lỷ nằm trong GCN quyền sử dụng đất của cả 2 bên. (Ảnh: VOV.VN)
Các hộ dân sở tại và tái định cư nhiều lần đối chiếu hồ sơ, nhưng đất sản xuất khu vực Lán Lỷ nằm trong GCN quyền sử dụng đất của cả 2 bên. (Ảnh: VOV.VN)

Cuộc sống người nông dân tại bản tái định cư này chỉ biết trông cậy vào trồng cấy hàng năm. Nay đất sản xuất bị thu hẹp, họ không khỏi lo lắng cho tương lai của mình.

Ông Hoàng Văn Mảo, Bí thư Chi bộ bản Quỳnh Lỷ băn khoăn: “Bà con di dân về chủ yếu sống dựa và đất đai. Nhưng bây giờ mất đất rồi, dân sở tại lấy rồi bà con rất khó khăn. Tương lai của bà con nếu không được trả lại đất thì không biết sẽ đi đến đâu, sẽ như thế nào, liệu có an tâm với cuộc sống hay không, bà con rất hoang mang”.

Bà con tái định cư Quỳnh Lỷ chuẩn bị đất, nhưng các hộ sở tại đưa ngô vào trồng và giờ ngô đã mọc cao qua đầu gối. (Ảnh: VOV.VN)
Bà con tái định cư Quỳnh Lỷ chuẩn bị đất, nhưng các hộ sở tại đưa ngô vào trồng và giờ ngô đã mọc cao qua đầu gối. (Ảnh: VOV.VN)

Tìm hiểu nguyên nhân, được biết, đất sản xuất khu vực Lán Lỷ đã được các hộ sở tại giao cho đồng bào tái định cư Quỳnh Lỷ canh tác ngay khi họ mới chuyển đến. Mọi việc chỉ bắt đầu khi huyện Mai Sơn và các ngành chức năng triển khai thực hiện Công văn số 883, ngày 20/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về bù chênh lệch giá trị sử dụng đất tại các khu, điểm tái định cư Thủy điện Sơn La. Theo đó, 53 hộ dân thuộc các bản: Nong Chô, Hòa Bình, Chặm Cẳng, Búc A, Búc B, Tân Lập, xã Chiềng Sung đến nay vẫn chưa được hưởng chính sách này. Theo các hộ dân ở đây, họ đã được chính quyền địa phương thông báo rất chi tiết về chính sách hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất điểm tái định cư Thủy điện Sơn La lần 2. Thậm chí, tháng 11 năm 2013, họ còn được cán bộ huyện và cán bộ địa chính xã tổ chức cho ký nhận số tiền các hộ được hỗ trợ, kèm lời hứa tiền sẽ về trước Tết nguyên đán năm đó. Ấy thế nhưng, gần 2 năm đã trôi qua mà khoản tiền hỗ trợ chưa thấy đâu. Vì vậy, việc thu lại đất sản xuất tại khu vực Lán Lỷ của bà con tái định cư Quỳnh Lỷ cũng chỉ là việc bất đắc dĩ.

Ông Lò Văn Phái, bản Chặm Cẳng, xã Chiềng Sung bày tỏ: “Không được hỗ trợ chúng tôi sẽ lấy đất. Chúng tôi cũng đã trao đổi với bản mới là vì Nhà nước làm không công bằng cho dân nên chúng tôi sẽ lấy lại đất và chúng tôi đã lấy, không đến 50%, chúng tôi đã trồng hết 60 cân ngô giống. Cũng mong Đảng, Nhà nước và tỉnh xem xét hỗ trợ cho chúng tôi và chúng tôi sẽ trả lại đất cho bản mới, chứ chúng tôi không thắc mắc gì với bản mới”.

GNC đất của hộ Hoàng Văn Mảo, bản TĐC Quỳnh Lỷ ghi tổng diện tích đất sản xuất được cấp tại khu Lán Lỷ, nhưng không vẽ sơ đồ chỉ vị trí. (Ảnh: VOV.VN)
GNC đất của hộ Hoàng Văn Mảo, bản TĐC Quỳnh Lỷ ghi tổng diện tích đất sản xuất được cấp tại khu Lán Lỷ, nhưng không vẽ sơ đồ chỉ vị trí. (Ảnh: VOV.VN)

Trao đổi nội dung này với phóng viên Đài TNVN, ông Lê Minh Tâm, Trưởng ban quản lý dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La huyện Mai Sơn cho biết, đất sản xuất khu vực Lán Lỷ trước đây được giao cho Công ty Tây Bắc, Bộ Quốc phòng xây dựng trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Tuy nhiên, do doanh nghiệp không thực hiện dự án, nên khu đất này được thu hồi, sau đó quy hoạch thành điểm tái định cư. Theo hướng dẫn của Sở Tài chính tỉnh thì đất của doanh nghiệp không thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất điểm tái định cư thủy điện Sơn La lần 2.

Lý giải về trách nhiệm của ban khi tìm hiểu, rà soát không kỹ đã bỏ sót 1 nhóm hộ trong chi trả đền bù hỗ trợ theo chính sách, dẫn đến khiếu kiện và tranh chấp, ông Lê Minh Tâm cho biết: “Theo đúng hồ sơ đền bù có những cái phải nghiên cứu kỹ mới ra được. Việc này với Ban thì những người khác đã làm trước, tôi mới sang nên chưa phát hiện ra được việc này”.

Một căn cứ quan trọng khiến 53 hộ dân các bản: Nong Chô, Hòa Bình, Chặm Cẳng, Búc A, Búc B, Tân Lập, xã Chiềng Sung đòi hỏi được áp dụng chính sách hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất điểm tái định cư thủy điện Sơn La lần 2 là toàn bộ diện tích đất sản xuất khu vực Lán Lỷ vẫn nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ. Trớ trêu hơn, khi khu đất sản xuất này cũng nằm trong sổ đỏ của các hộ dân tái định cư Quỳnh Lỷ. Nghĩa là, 1 khu đất, nhưng 2 nhóm đối tượng cùng được giao sở hữu. Đây chính là nguyên do cơ bản khiến việc tranh chấp xảy ra.

23062015_tranhchapdatsx6

Trao đổi về việc tranh chấp đất sản xuất tại Lán Lỷ, ông Quàng Hương, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, ngoài sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ địa phương, để xảy ra việc này chủ yếu do yếu tố lịch sử để lại. Sau khi nghiên cứu các hồ sơ sổ sách; đồng thời căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát của tổ công tác được giao xuống cơ sở tìm hiểu việc này, huyện đã chính thức báo cáo, đề nghị tỉnh cân đối kinh phí để thực hiện chi trả cho các hộ dân theo tinh thần Công văn số 883 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Quàng Hương nói: “Hiện nay tổ công tác của huyện do Phó chủ tịch làm tổ trưởng đang thường xuyên báo cáo, đôn đốc các ban ngành của tỉnh cũng như báo cáo tỉnh. Hiện nay, huyện đang cố gắng giải quyết báo cáo tỉnh, nếu tỉnh nhất trí thì sẽ giải quyết cho bà con”.

Nếu người dân không quyết liệt đòi quyền lợi chính đáng, chắc chắn rằng quyền lợi của 53 hộ dân ở đây đã bị chính quyền địa phương bỏ qua. Theo họ, ngay khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ lần này, họ sẽ lập tức trả lại toàn bộ đất sản xuất cho các hộ tái định cư Quỳnh Lỷ. Như vậy, cách giải quyết theo đề xuất của huyện cũng là thông tin vui với các hộ tái định cư nơi đây. Họ đang mong chờ từng ngày việc nhận lại đất để canh tác, có vậy họ mới có thể yên tâm về nguồn thu nhập cho cuộc sống tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.