Giải quyết nhu cầu nước sạch trên địa bàn Mê Linh

ThienNhien.Net – Mặc dù cách trung tâm Hà Nội không xa, nhưng nhiều địa bàn của huyện Mê Linh vẫn “khát” nước sạch. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Thanh Lâm phản ánh tình trạng nước sinh hoạt ô nhiễm, khiến một số người dân bị bệnh. UBND huyện Mê Linh đang phối hợp cùng các ban, ngành của thành phố từng bước giải quyết nhu cầu nước sạch cho những khu dân cư trên địa bàn huyện.

Nước giếng khoan tại khu vực xã Đại Thịnh (Mê Linh) được người dân bơm lên để sử dụng. (Ảnh: Nhân Dân)
Nước giếng khoan tại khu vực xã Đại Thịnh (Mê Linh) được người dân bơm lên để sử dụng. (Ảnh: Nhân Dân)

Mê Linh “khát” nước sạch là câu chuyện được đề cập từ lâu. Nhưng “nóng” nhất là địa bàn các xã gần nghĩa trang Thanh Tước. Đây là một trong những nghĩa trang tập trung lớn của thành phố Hà Nội, do Ban Phục vụ lễ tang, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý. Hiện nghĩa trang hung táng 1.100 mộ, cát táng 23 nghìn ngôi mộ. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân, nhất là người dân thôn Phú Hữu, xã Thanh Lâm, khu vực chỉ cách nghĩa trang Thanh Tước vài trăm mét, phản ánh tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí, một số người cho rằng do nước sinh hoạt bị ô nhiễm, cho nên đã hình thành “làng ung thư”, gây ra cái chết của nhiều người dân trên địa bàn. Trước những phản ánh này, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, các chỉ số về không khí chung quanh khu vực đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam; đối với nguồn nước, phần lớn các thông số kỹ thuật về chất lượng mặt nước tại hồ bán nguyệt nằm trong khuôn viên nghĩa trang đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, có một số thông số cao, đó là chỉ tiêu dầu mỡ cao hơn 0,1mg/l so với quy chuẩn; hàm lượng coliform vượt quy chuẩn 2,3 lần. Như vậy, những phản ánh của người dân về tình trạng nước ngầm khu vực này bị ô nhiễm là có cơ sở. Tuy nhiên, thông tin về hàng chục người chết vì ung thư, dẫn đến hình thành một “làng ung thư” như một số báo chí nêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang cho biết, huyện đã tiến hành xác minh thì những thông tin này là không chính xác và không có cơ sở.

Giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân Mê Linh nói chung, khu vực các xã gần nghĩa trang Thanh Tước nói riêng là vấn đề cấp thiết. Song, hiện nay, vấn đề nước sạch trên địa bàn Mê Linh rất nan giải. Khi còn là một đơn vị hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc, người dân huyện Mê Linh đã phải “quen” với tình trạng không có nước sạch. Từ khi chuyển về Hà Nội đến nay, chưa có hệ thống cấp nước nào được xây dựng. Hiện nay, khu dân cư đường 23 (xã Thanh Lâm) có hơn 200 hộ thì chỉ có khoảng 70 hộ gia đình sử dụng nước sạch từ nhà máy nước Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Tại xã Thanh Lâm có một trạm cấp nước sạch tại thôn Yên Vinh hiện chỉ cấp được vài trăm m3 /ngày đêm cho các hộ dân các thôn Đức Hậu, Ngự Tiền, Phú Hữu, Thanh Vân. Còn phần lớn người dân huyện Mê Linh vẫn phải dùng nước giếng khoan, giếng đào, rồi tự mua các thiết bị lọc hoặc lọc nước một cách thô sơ. Theo Quy hoạch cấp nước thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, người dân huyện Mê Linh sẽ được cấp nước từ nguồn nước mặt sông Hồng. Nhưng hiện nay, Nhà máy nước mặt sông Hồng (dự kiến nằm trên địa bàn huyện Đan Phượng) vẫn chưa được khởi công. Điều băn khoăn tiếp theo là khi xây dựng xong thì cũng chưa biết sẽ dẫn nước từ nhà máy về Mê Linh theo con đường nào. Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm, các cơ quan có liên quan đã thống nhất ngừng nhận hung táng tại nghĩa trang Thanh Tước. Với những trường hợp đã ký hợp đồng, cũng sẽ vận động để người dân thực hiện hỏa táng, để giảm thiểu ô nhiễm. Đồng chí Hà Huy Quang khẳng định, do những phức tạp nói trên, chuyện giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân không thể hoàn thành trong “ngày một, ngày hai” mà phải tiến hành từng bước. Huyện Mê Linh sẽ tích cực phối hợp các cơ quan xử lý nước mặt tại hồ bán nguyệt để bảo đảm tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường chung quanh; bổ sung thêm cây xanh, bê-tông hóa bề mặt khu mộ để giảm nước mặt thấm xuống đất, tổ chức đo quan trắc định kỳ… Huyện Mê Linh cũng đang di dời những ngôi mộ được xây, chôn không phù hợp ở khu vực rìa nghĩa trang, tiến tới xây dựng nghĩa trang Thanh Tước thành công viên nghĩa trang, để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trong khi chờ nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Hồng, thì UBND TP Hà Nội đã đồng ý để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư dự án cấp nước sạch cho ba xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Đại Thịnh. Dự án có công suất khoảng 2.900 m3 /ngày đêm này đến cuối năm 2015 sẽ khởi công và đến năm 2017 mới đi vào hoạt động. Chính quyền và người dân địa phương mong mỏi thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm bố trí nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công để người dân sớm thoát khỏi nỗi lo về nước sinh hoạt.