Rác Hà Nội cần lò đốt lớn gấp 10 lần hiện nay

Rác có nhiều loại nên cũng có nhiều cách xử lý: chôn, đốt, tái sinh… Hiện cả miền Bắc chỉ có duy nhất một lò đốt rác công nghiệp công suất nhỏ (4,8-5 tấn/ngày) trong khi mỗi năm riêng Hà Nội "sản sinh" khoảng 30.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại cần xử lý.

Hàng chục nghìn tấn chất thải nguy hại “vất vưởng”?

Phá dỡ công trình cũ, xây dựng công trình mới, sản xuất hàng hóa, tiêu thụ… ngày càng nhiều thì rác thải ngày càng tăng. Theo UBND TP Hà Nội, lượng chất thải công nghiệp phát sinh riêng trên địa bàn Thủ đô chiếm non nửa (45%) tổng lượng chất thải công nghiệp toàn miền Bắc. Trong đó, lượng rác thải nguy hại cần xử lý bằng phương pháp đốt chiếm 30%.

Điều tra cho thấy, mỗi năm trung bình Hà Nội “sản sinh” ra khoảng 30.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, trong khi đó chỉ có duy nhất một lò đốt rác công nghiệp công suất nhỏ (4,8 – năm tấn/ngày) tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn).

Đây cũng là cơ sở xử lý chất thải công nghiệp độc hại bằng phương pháp đốt duy nhất tại miền Bắc Việt Nam. Thế nên, ngoài việc “gánh” rác thải nguy hại của cả Hà Nội (mà “sát sườn” nhất là rác tồn đọng tại các xã Võng La, Đại Mạch, Kim Chung, Hải Bối, xung quanh khu công nghiệp Thăng Long huyện Đông Anh), lò đốt “mi-ni” này còn là “niềm trông mong” của cả khu kinh tế trọng điểm phía Bắc! Và dĩ nhiên, với công suất hạn chế, thiết bị thiếu đồng bộ – lò đốt này hàng ngày xử lý lượng rác thải thấp xa so với nhu cầu…

Thử đặt phép tính: Nếu mỗi ngày lò này xử lý năm tấn rác, tức mỗi năm (365 ngày) “kết liễu” được hơn 1.800 tấn. Với khoảng 30.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh riêng trên địa bàn Hà Nội (kể trên), trong khi chôn lấp không phải là cách tốt nhất để khử độc và giảm thiểu khối lượng, tái chế cũng phải sàng lọc – thì hàng chục nghìn tấn rác nguy hại kia sẽ “vất vưởng” nơi đâu?

Hà Nội trước nay đã tốn không biết bao nhiêu tiền vì… rác! Đơn cử, chỉ vận chuyển rác thải tồn đọng từ các xã Võng La, Đại Mạch, Kim Chung, Hải Bối, xung quanh khu công nghiệp Thăng Long huyện Đông Anh đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (còn gọi là bãi rác Nam Sơn), ngân sách năm 2007 của Sở GTCC đã phải chi 93.980 đồng/tấn!

Quốc tế cũng chung tay giúp Hà Nội xử lý rác. Quý III/2007 vừa qua, chỉ riêng việc thí điểm lắp đặt 4.000 thùng rác vô cơ, 4.000 thùng rác hữu cơ tại phường Phan Chu Trinh và Nguyễn Du (Hà Nội), mua một số thùng thu gom và bổ sung vài thiết bị cho nhà máy chế biến phế thải Cầu Diễn – TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư hoàn thiện thủ tục với Chính phủ Nhật Bản để tiếp nhận các dụng cụ, thiết bị trị giá trên một tỉ đồng này.

Lò đốt 50 tấn/ngày đêm – còn ở “thì tương lai”?

Để có thể xử lý toàn bộ khối lượng chất thải nguy hại cần đốt theo qui định cho Thủ đô Hà Nội và toàn bộ khu kinh tế trọng điểm phía Bắc, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư – theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, hiện rất cần một cơ sở xử lý rác công nghiệp đúng tiêu chuẩn, xử lý được đa dạng chất thải công nghiệp nguy hại (cả rắn, lỏng) theo các cấp độ và yêu cầu kỹ thuật khác nhau.

Tuy nhiên, việc này hiện còn đang ở “thì tương lai”. Vừa qua, Hà Nội đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và đầu tư đăng ký Dự án xây dựng lò đốt chất thải công nghiệp tại Nam Sơn công suất 50 tấn/ngày đêm sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Nếu “xuôi chèo mát mái”, đến 2010 Hà Nội mới hoàn thành lò quay kèm thiết bị xử lý khí thải đồng bộ này, bởi tổng vốn đầu tư dự kiến khá lớn: xấp xỉ 34,5 triệu USD!

Được biết, trong 34,5 triệu USD này, vốn ODA dự kiến sẽ chiếm 80% (theo hình thức vay ưu đãi, ngân sách trung ương cấp phát 30%, cho vay lại 70% vốn ODA), còn vốn đối ứng là 20% (chủ dự án tự cân đối).

Với rác thải sinh hoạt thông thường, những năm qua, Thủ đô đã rất mong chờ sự hoàn tất của Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì (địa điểm tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) công suất thiết kế xử lý khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt/ngày nhưng tiếc rằng dự án này gặp khá nhiều trục trặc và ’’lỗi hẹn’’. Đầu năm nay, UBND TP buộc phải ’’ra lệnh’’ dừng thực hiện, đóng tài khoản cả 2 giai đoạn I, II của dự án này.

Vậy là, ít nhất vài năm nữa, dân Hà Nội vẫn phải “sống chung với… rác” để chờ các dự án xử lý rác thải hoàn thành.